Tăng cường hợp tác về logistics giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản(Thứ năm, 14/03/2024 18:39 GMT+7)
Nhằm thúc đẩy mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á và trên thế giới” giữa Việt Nam và Nhật Bản, chiều ngày 14/3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) tổ chức Hội thảo về logistics giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về thực trạng và kỹ thuật chuỗi cung ứng lạnh, thúc đẩy tăng cường hợp tác về logistics giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Bà Trần Thị Thanh Thuý - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế
phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Thuý - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT cho biết: Sáng ngày 14/3, các nhà quản lý trong lĩnh vực logistics của hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã tổ chức rất thành công buổi “Đối thoại chính sách Logistics Việt Nam - Nhật Bản 2024’’ nhằm thảo luận, tìm hiểu thêm về chính sách của hai nước trong lĩnh vực logistics cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các Bộ, ngành liên quan tới chuỗi cung ứng lạnh trên cơ sở sáng kiến của phía Nhật Bản.
Hội thảo chiều nay được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các doanh nghiệp, Hiệp hội và các chuyên gia trong lĩnh vực logitics giữa hai nước trao đổi, giao lưu cũng như học hỏi kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là trong phát triển chuỗi cung ứng lạnh.
Bà Trần Thị Thanh Thuý khẳng định Hội thảo là cơ hội rất tốt để các cơ quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics của Việt Nam và Nhật Bản cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và các biện pháp của hai nước trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng lạnh.
Theo ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hệ thống chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện đang được đầu tư, phát triển.
Chuỗi cung ứng lạnh từ các kho hàng, cảng biển, công ty losgistics hiện được đầu tư lớn. Khung pháp lý và các chính sách đều đã đáp ứng các nhu cầu và điều quan trọng hiện tại là các doanh nghiệp cần có phương hướng để đồng hành cùng chính sách, đưa chính sách vào đời sống.
Ông Trần Chí Dũng - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
trình bày báo cáo
Theo ông Dũng, điểm yếu nhất trong việc phát triển hệ thống logistics hiện nay là hạ tầng vận tải khi có hiện tượng mất cân bằng các phương thức vận tải.
Đối với việc kết nối logistics trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện VLA cho biết, các trung tâm logistics cho nông nghiệp còn thiếu, nghèo nàn trong khi đó, thị trường logistics cho nông nghiệp của Việt Nam lại có nhiều tiềm năng, xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp.
Đại diện VLA đề xuất các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ việc xây dựng chính sách, đào tạo nhân lực và phát triển thị trường trong việc phát triển logistics và chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng tham gia thuyết trình, giới thiệu kinh nghiệm trong việc phát triển, vận hành và tối ưu hóa chuỗi cung ứng lạnh. Đại diện Tập đoàn Koinoike Vinatrans, là một đơn vị đang vận hành chuỗi kho đông lạnh lớn ở Việt Nam với hệ thống máy móc hạng nặng, các thiết bị trong ngành logistic tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày về hiện trạng phát triển tại Việt Nam và mong muốn mở rộng hoạt động ra các thị trường miền Bắc và miền Trung để đạt được quy mô gấp đôi đến năm 2030.
Đại diện công ty Hokusho mang đến Hội thảo video giới thiệu về công ty tại Nhật Bản, hiện đã mở rộng ra toàn cầu, là nhà máy chuyên dụng, chuyên sản xuất các thiết bị kho vận, xây dựng chuỗi cung ứng, tạo ra dòng chảy tối ưu về hàng hoá...
Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo về logistics giữa Việt Nam và Nhật Bản
Các bài thuyết trình của doanh nghiệp Nhật Bản cùng với việc trao đổi, thảo luận về việc phát triển, vận hành và tối ưu hoá chuỗi cung ứng lạnh đã góp phần tăng cường hơn nữa hiểu biết lẫn nhau, kết nối cơ hội hợp tác và kinh doanh trong lĩnh vực vô cùng mới mẻ nhưng không kém phần quan trọng này.
Chia sẻ về công tác chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng lạnh tại thị trường Việt Nam, ông Lê Minh Phụng - Giám đốc kinh doanh Công ty AJ Total Vietnam thông tin trước năm 1998, các kho lạnh ở Việt Nam rất nhỏ, chủ yếu xây dựng trên nền tảng của các công ty thủy sản. Các kho lạnh được vận hành đơn giản, chất lượng kém, giá cao, không minh bạch. Sau đó, hệ thống kho lạnh của Việt Nam ra đời và nhiều doanh nghiệp đầu tư hơn cho hệ thống này.
Hiện nay, các phần mềm số hóa cũng ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu để phát triển kho lạnh, từ việc kiểm soát nhiệt độ bằng hệ thống điều khiển từ xa, phần mềm tự động cảnh báo nếu nhiệt độ bị biến động, có biện pháp thay thế khi có sự cố xảy ra. Ông Phụng cũng chia sẻ trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu và cải tiến chuyển đổi số, đầu tư hệ thống phần mềm hiện đại vào vận hành chuỗi vận tải kho lạnh./.
KC