Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong công tác sửa chữa, bảo trì công trình hầm trên đường sắt quốc gia(Thứ tư, 24/07/2024 21:35 GMT+7)
Bộ GTVT vừa tổ chức Hội thảo KHCN về “Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong công tác sửa chữa, bảo trì công trình hầm trên đường sắt quốc gia”. Bộ GTVT ủy quyền cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT phối hợp với Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Cục Đường sắt Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm báo cáo đánh giá về hiện trạng, công nghệ, kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, thiết kế, thi công sửa chữa hầm đường sắt, từ đó đề xuất ứng dụng các giải pháp công nghệ về kết cấu trong việc sửa chữa, gia cường các công trình hầm đường sắt cho phù hợp với điều kiện thực tế để nâng cao chất lượng công tác quản lý, xây dựng, sửa chữa và bảo trì hệ thống hầm trên đường sắt quốc gia ở Việt Nam. Viện Khoa học và Công nghệ GTVT vinh dự khi được là đơn vị đồng chủ trì và là nơi đăng cai tổ chức, tài trợ cho hội thảo.
Hội thảo KHCN về “Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong
công tác sửa chữa, bảo trì công trình hầm trên đường sắt quốc gia”
Lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km, có 274 ga, 2.703 km đường chính tuyến, 612 km đường ga và đường nhánh, trong đó bao gồm 07 tuyến chính là Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Gia Lâm- Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Lào Cai, Đông Anh - Quán Triều, Kép - Hạ Long - Cái Lân, Kép - Lưu Xá.
Trên các tuyến chính của hệ thống đường sắt quốc gia có 39 hầm. Trong thời gian qua, tuyến đường sắt huyết mạch Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh (đường sắt Bắc - Nam) đã hai lần bị “tê liệt” vì sạt lở tại hầm Bãi Gió (Khánh Hòa) và Chí Thạnh (Phú Yên). Thiệt hại từ những sự cố này đã thấy rõ khi ngành đường sắt phải tốn rất nhiều kinh phí để khắc phục; hàng vạn hành khách phải trung chuyển qua hai điểm sạt lở để tiếp tục hành trình; các chuyến tàu chở hàng cũng buộc phải dừng bánh, chậm trễ… Các sự cố sạt lở hầm đường sắt dù đã được khẩn trương khắc phục để thông tuyến, nhưng đây chỉ là những giải pháp trước mắt, nguy cơ tiếp tục sạt lở hầm đường sắt trên tuyến Bắc - Nam vẫn còn hiện hữu.
Để tìm ra giải pháp phòng tránh các sự cố sạt lở đối với hầm đường sắt, Bộ GTVT đã chỉ đạo tổ chức hội thảo đánh giá toàn diện hiện trạng, nguyên nhân và tham vấn ý kiến các đơn vị, cá nhân về các giải pháp công nghệ trong sửa chữa, gia cường và bảo trì hầm đường sắt là hết sức kịp thời.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tại hội thảo khoa học lần này có 06 báo cáo được trình bày, trong đó Viện Khoa học và Công nghệ GTVT có 01 báo cáo, Cục Đường sắt Việt Nam có 01 báo cáo, Tổng Công ty TVTK GTVT có 01 báo cáo, Công ty CP Tổng Công ty Công trình đường sắt có 01 báo cáo, Công ty VSL Việt Nam có 01 báo cáo, Công ty ChungAm EnC Hàn Quốc và Công ty Cổ phần thương mại Tư vấn và XD Vĩnh Hưng có 01 báo cáo.
Hội thảo này là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận với các cơ quan quản lý, các sở GTVT, các chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn… về báo cáo đánh giá, thông tin khoa học, công nghệ, kinh nghiệm liên quan đến hiện trạng công tác quản lý, khai thác, bảo trì sửa chữa công trình hầm trên đường sắt quốc gia,…Từ đó, đề xuất ứng dụng các giải pháp công nghệ về kết cấu trong việc sửa chữa, gia cường các công trình hầm đường sắt cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Sau Hội thảo này, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT mong muốn tiếp tục được Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan tin tưởng giao cho Viện triển khai nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và thử nghiệm các vật liệu mới, đánh giá các công nghệ mới trong lĩnh vực đường sắt; Viện tiếp tục đồng hành, hợp tác cùng các chủ đầu tư, doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn, để có thể hỗ trợ đắc lực trong công tác ứng dụng KHCN vào sản xuất, giải quyết những vấn đề kỹ thuật phát sinh từ thực tế, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng hạ tầng GTVT, nâng cao hiệu quả của đồng vốn đầu tư trong tiến trình CNH, HĐH đất nước nói chung và ngành GTVT nói riêng.
P.V