UTH và Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam triển khai cụ thể hoá các chương trình đào tạo chuyên biệt và học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên ngành Hàng hải, Kinh tế vận tải biển đường thuỷ(Thứ hai, 12/08/2024 08:23 GMT+7)
Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu và đoàn công tác của Cục vừa có buổi thăm và làm việc cùng Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (UTH) nhằm cụ thể hoá các nội dung hợp tác mà hai bên đã ký kết vào ngày 16/7/2024 vừa qua.
Đoàn công tác của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam làm việc tại UTH
Tại buổi làm việc, GS. Bùi Thiên Thu phát biểu: Đường thuỷ hiện nay trở thành một trong các phương thức vận tải nhộn nhịp nhất, đặc biệt ở khu vực Nam Bộ. Các con số thống kê ghi nhận, số lượng tàu biển cả trong nước lẫn nước ngoài cập và rời bến cảng thuỷ nội địa ngày càng tăng lên. Điều này dẫn đến sự giao thoa và áp dụng đồng thời của các quy định và tiêu chuẩn về an ninh, an toàn đường biển và đường thuỷ. Đồng thời, các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng được đẩy mạnh và tăng cao, đòi hỏi các chủ cảng, bến thuỷ nội địa phải có nhận thức nhất định về yếu tố này, lồng ghép vào phương án khai thác và quản lý trước khi tiến hành công bố cảng, bến thuỷ nội địa. Do đó, nhu cầu thiết kế một chương trình đào tạo chuyên biệt cho nghiệp vụ đường thuỷ nội địa cho cán bộ quản lý Nhà nước và cả cá nhân, đơn vị khác thương mại cảng, bến thuỷ nội địa là rất cần thiết. Vì vậy, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đề xuất hợp tác cùng UTH xây dựng chương trình đào tạo đặc thù, phù hợp với nhu cầu và đặc tính công việc của người học, gắn liền với thực tiễn và có tính linh hoạt cao.
PGS.TS Nguyễn Xuân Phương khẳng định UTH liên tục đổi mới, sáng tạo, cải tiến chất lượng
PGS. TS. Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng UTH khẳng định, với truyền thống là cơ sở đào tạo các ngành giao thông vận tải lớn nhất khu vực phía Nam, đồng thời là đơn vị tiên phong đào tạo ngành logistics, cho đến nay UTH đã liên tục đổi mới, sáng tạo, cải tiến chất lượng và đưa vào giảng dạy 6 chuyên ngành logistics để phù hợp với từng phương thức vận tải, đối tượng vận tải và môi trường vận tải. Bên cạnh đó, UTH tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ với ngân hàng câu hỏi, cách thức đánh giá đa dạng; tạo điều kiện cho người học tự tư duy và phát triển khả năng phân tích; thời gian và mô hình học tập linh hoạt. Do đó, đối với các đề xuất của Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa, UTH tự tin và cam kết sẽ cùng đồng hành và kiến tạo nên các chương trình đào tạo thực chiến, vì mục tiêu chung thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, UTH cũng đề xuất kết hợp cùng với Cảng vụ khu vực 3, 4 tại phía Nam để đưa sinh viên tham gia học kỳ doanh nghiệp tại các chi cục và đại diện. Qua đó, làm phong phú kiến thức thực tiễn cho sinh viên.
Đoàn làm việc chụp ảnh lưu niệm
Kết thúc buổi họp, hai bên thống nhất xây dựng 4 chương trình đào tạo đặc thù cho ngành Kinh tế biển - đường thuỷ. Đồng thời, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Cảng vụ khu vực 3, 4 cam kết tiếp nhận sinh viên UTH tham gia học kỳ doanh nghiệp.