Bộ GTVT ra công điện khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại Hà Giang và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét(Thứ ba, 01/10/2024 14:43 GMT+7)

Bộ GTVT vừa có Công điện số 44/CĐ-BGTVT ngày 30/9/2024 khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại Hà Giang và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.


Khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại Hà Giang
và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét (Ảnh: Báo Hà Giang)

Theo đó, triển khai Công điện số 101/CĐ-TTg ngày 30/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 24/VP-PCTT ngày 30/9/2024 của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về việc khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại Hà Giang và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau: 

1. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Công điện số 43/CĐ-BGTVT ngày 29/9/2024 của Bộ Giao thông vận tải về việc tập trung khắc phục sự cố sụt trượt gây ách tắc giao thông và ứng phó với tình hình mưa, lũ khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa. 

2. Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ I phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương tập trung khắc phục sự cố sạt lở gây ách tắc giao thông tại Km240+300 - Km240+600, QL2, đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang để thông đường trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố. 

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương rà soát để cảnh báo sớm các đoạn tuyến giao thông có nguy cơ sạt lở; có phương án phân luồng giao thông để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại an toàn cho Nhân dân; bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện, thiết bị ở những vị trí trọng yếu để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất khi có tình huống xảy ra.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương trong việc triển khai sử dụng các flycam bay quét các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, kịp thời phát hiện các vết nứt để cảnh báo sớm và có biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn; tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở. 

3. Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đường sắt thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương trong việc triển khai sử dụng các flycam bay quét các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, kịp thời phát hiện các vết nứt để cảnh báo sớm và có biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn công trình đường sắt và an toàn chạy tàu; tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ để đảm bảo thông tuyến trong thời gian nhanh nhất. 

4. Các Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các Khu Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đường sắt rà soát để cảnh báo sớm các đoạn tuyến giao thông có nguy cơ sạt lở; có phương án phân luồng giao thông để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại an toàn cho Nhân dân; bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện, thiết bị ở những vị trí trọng yếu để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất khi có tình huống xảy ra trên các tuyến quốc lộ ủy thác và đường địa phương được giao quản lý.

 5. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải theo số điện thoại: 0989642456 và Email: banpclb@mt.gov.vn.

Nguồn: Bộ GTVT