Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)(Thứ năm, 31/10/2024 14:22 GMT+7)
Ngày 31/10, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh,
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trần Thị Minh Hiền đồng chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT; Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh; bà Trần Thị Minh Hiền, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT; đại diện các Bộ, Ban ngành Trung ương, Sở GTVT các tỉnh, thành có tuyến đường sắt đi qua; Tổng công ty ĐSVN; các doanh nghiệp đường sắt liên quan.
Cục trưởng Cục ĐSVN Trần Thiện Cảnh phát biểu khai mạc Hội thảo
và giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Luật ĐS sửa đổi
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục ĐSVN Trần Thiện Cảnh cho biết: Luật Đường sắt năm 2017 được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2017 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, là văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cao nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động GTVT đường sắt. Tuy nhiên sau hơn 6 năm thi hành, Luật ĐS 2017 và một số chính sách về GTVT đường sắt chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.
Thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ trong tháng 2/2025 và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2025 đối với dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Bộ GTVT đã giao Cục ĐSVN chủ trì soạn thảo Luật Đường sắt (sửa đổi); tổ chức khảo sát thực tế về tình hình triển khai thi hành Luật; đồng thời gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Đến nay Bộ GTVT đã nhận được 98 ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.
Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Hội thảo hôm nay nhằm tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật. Ban Soạn thảo sẽ tổng hợp, tiếp thu toàn diện những khó khăn, vướng mắc, những nội dung nghị định, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trình bày kết quả Dự án
“Những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục ĐSVN xây dựng dự thảo Luật ĐS sửa đổi”
Tại Hội thảo, thành viên Ban Soạn thảo đã trình bày 4 chuyên đề: Giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Luật ĐS sửa đổi; Chính sách mới về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ĐS; Chính sách phát triển công nghiệp ĐS và nguồn nhân lực ĐS; Báo cáo kết quả Dự án “Những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục ĐSVN xây dựng dự thảo Luật ĐS sửa đổi”. Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý trực tiếp đối với nội dung dự thảo Luật. Những nội dung đề xuất, ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã thể hiện sự quan tâm của nhiều chủ thể từ các doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các địa phương đang triển khai các dự án ĐS đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của ngành ĐS nói riêng và ngành GTVT nói chung.
Phó Cục trưởng Cục ĐSVN Nguyễn Huy Hiền trình bày Chuyên đề
về Chính sách mới về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ĐS
Phó Cục trưởng Cục ĐSVN Dương Hồng Anh trình bày Chuyên đề
về Chính sách phát triển công nghiệp ĐS và nguồn nhân lực ĐS
Một số nội dung được đề xuất tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung đưa vào dự thảo Luật ĐS sửa đổi như: Quy định về đầu tư xây dựng công trình ĐS, khai thác quỹ đất dành cho ĐS; kết nối ĐS với các phương thức vận tải khác nhằm phát huy thế mạnh của vận tải ĐS; quy định về một số loại hình giao cắt ĐS với đường bộ, xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho ĐS; phân quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng ĐS. Quy định về công nghiệp ĐS nhằm xây dựng hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp ĐS theo hướng hiện đại, từng bước tự chủ trong sản xuất, bảo trì một số loại phương tiện, thiết bị ĐS; quy định nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ĐS phục vụ phát triển ĐS hiện đại; quy định phân quyền cho các địa phương về quản lý phương tiện và an toàn giao thông ĐS. Quy định các chức danh nhân viên ĐS trực tiếp phục vụ chạy tàu phù hợp với thực tiễn, phương án tổ chức khai thác của từng loại hình ĐS; phân quyền cho địa phương thực hiện quản lý người và phương tiện hoạt động GTVT ĐS. Quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống cho phù hợp với từng loại hình ĐS; các quy định nhằm bảo đảm trật tự ATGT ĐS. Quy định quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh KCHT ĐS; các quy định về phí, giá sử dụng KCHT ĐS và giá dịch vụ điều hành GTVT ĐS cho phù hợp với các Luật khác.
Các đại biểu thảo luận, góp ý nội dung dự thảo Luật ĐS sửa đổi
Toàn bộ ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cơ quan và chuyên gia đối với Luật ĐS sửa đổi sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
VH