Mở đường đưa tàu lớn vào cảng Cái Mép(Thứ tư, 13/11/2024 14:37 GMT+7)
Sau khi luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải được nâng cấp, sản lượng hàng hóa khu vực dần tăng trưởng. Tuy nhiên, những thách thức khi tàu lớn ra vào cảng ngày càng nhiều cũng lớn dần.
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Cuối tháng 9, Bến cảng container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) - cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức đón thành công tàu MSC Rifaya thuộc tuyến dịch vụ trực tiếp đi bờ Tây nước Mỹ của hãng tàu MSC tại Việt Nam - tuyến Swan Sentosa. Tàu có trọng tải hơn 200.000 DWT, là tàu lớn nhất từ trước tới nay cập cảng SSIT.
Việc nâng năng lực hạ tầng luồng hàng hải giúp cảng biển Cái Mép đón được
nhiều tàu lớn, tăng sản lượng hàng qua cảng. Ảnh: SSIT.
Ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh dịch vụ SSIT cho biết, kể từ khi luồng hàng hải Cái Mép được nạo vét xuống độ sâu -15,5m (từ phao số 0 đến ngã ba Gò Gia), việc đón các tàu trọng tải lớn giảm tải ra vào cảng đã thuận tiện hơn.
"Khu vực Cái Mép có chế độ bán nhật triều. Trước đây, tàu phải chờ đến buổi sáng mới có thể vào làm hàng. Không ít tàu làm hàng xong nhưng chưa thể rời cầu vì phải chờ thủy triều. Thời gian chờ đợi trung bình 7-10 tiếng.
Với việc đón các tàu trọng tải lớn theo thiết kế giảm tải, thời gian chờ thủy triều rút ngắn và làm hàng xong có thể rời bến ngay", ông Vũ nói và cho hay, việc tiết kiệm thời gian cũng giúp hệ số sử dụng cầu bến của các doanh nghiệp tăng đáng kể, giảm chi phí đơn vị trên từng container. 8 tháng đầu năm, cảng SSIT có sản lượng hàng hóa thông qua tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia nhận định, với việc rút ngắn thời gian, nếu mức giá thuê khoảng 10.000 USD/ngày thì việc tiết kiệm thời gian được 7-10 tiếng giúp hãng tàu tiết kiệm được khoản chi phí lớn trên cả hành trình.
Đủ khả năng tiếp nhận vẫn phải xin nâng cấp
Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, thời gian qua, số lượng tàu trọng tải toàn phần trên 80.000 tấn thông qua cảng biển tại khu vực ngày càng tăng, trong 9 tháng đầu năm đạt 1.661 lượt (trung bình hơn 6 lượt/ ngày). Đặc biệt, đã có các "siêu tàu" container trọng tải toàn phần đến 232.000 tấn khai thác chuyên tuyến vào khu cảng Cái Mép.
Số lượng tàu có trọng tải và kích cỡ tăng trở thành bài toán với Cái Mép nói riêng và ngành hàng hải Việt Nam nói chung. Để đáp ứng được xu hướng này, việc nâng cao khả năng khai thác, tiếp nhận các tàu trọng tải lớn ra vào, cảng biển trở thành bài toán cấp thiết.
Lãnh đạo cảng SSIT khẳng định, các đối tác hãng tàu của doanh nghiệp thời gian qua đều đặt vấn đề đưa các tàu trọng tải lớn ra vào cảng. Hãng tàu mong có những cơ chế thủ tục để tàu lớn ra vào thuận tiện và nhanh hơn.
Ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu VN cho rằng, một trong những yếu tố cần thiết để nâng cao năng lực đón tàu lớn là xem xét điều chỉnh quy hoạch cảng biển Việt Nam, trong đó có luồng hàng hải tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Long cho biết thêm, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụm cảng Cái Mép có khả năng tiếp nhận tàu container 160.000 tấn và đến năm 2030 tiếp nhận tàu 24.000 Teu hoặc lớn hơn.
Tuy nhiên thực tế, từ tháng 3/2023, cụm cảng này đã tiếp nhận được những siêu tàu mẹ container, điển hình như tàu OOCL SPAIN lớn nhất thế giới với sức chở hơn 24.188 Teu.
Ông Long nhận định, việc lập quy hoạch với quy mô tiếp nhận tàu nhỏ hơn thực tế gây nhiều bất cập. Doanh nghiệp khai thác cảng phải xây dựng, đầu tư theo quy hoạch ban đầu và phải xin nâng cấp để đón các tàu tải trọng lớn (với từng trường hợp đặc biệt) dù đảm bảo năng lực tiếp nhận tàu lớn. Điều này ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn của doanh nghiệp.
Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển theo hướng tăng cỡ tàu tiếp nhận tại các khu vực cảng biển để đúng bản chất thực tiễn khai thác, phù hợp với xu hướng tăng tải trọng tàu trên thế giới.
Nâng năng lực đón tàu lớn
Theo Cục Hàng hải VN, cơ quan này đã lập Đề án nghiên cứu nâng cao khả năng khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và kết cấu hạ tầng hàng hải hiện hữu trình Bộ GTVT. Trong đó, đề ra các phương án để nâng cao năng lực tiếp nhận tàu lớn của các cảng biển trên cả nước, trong đó có khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Đề án đánh giá tại khu vực cảng biển Vũng Tàu vẫn tồn tại một số khó khăn trong việc tiếp nhận tàu biển trọng tải lớn.
Trong đó, luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải có một số khúc cua có bán kính cong nhỏ. Các cỡ tàu lớn phải giảm tốc độ để điều động qua khúc cua, khiến việc điều động tàu trọng tải lớn gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, một số bến cảng trên sông có tuyến mép bến nhô ra xa bờ. Giới hạn thủy diện cảng nằm gần hành lang bảo vệ luồng, trong khi lưu lượng tàu biển, tàu sông qua lại trên sông Cái Mép - Thị Vải hàng ngày lớn (khoảng 110 lượt tàu/ngày). Do đó, khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn hàng hải.
Nhiều phương án đã được Cục Hàng hải VN đề xuất để việc tiếp nhận các tàu lớn ra vào cảng biển đạt hiệu quả. Theo đó, cần cải tạo nâng cấp các tuyến luồng hàng hải như luồng Vũng Tàu - Thị Vải từ phao số "0" vào khu bến cảng container Cái Mép.
Trong đó, đoạn luồng từ phao số "0" đến thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) cho tàu đến 200.000 tấn/18.000 TEU giảm tải hoặc lớn hơn; đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) đến thượng lưu bến cảng container Tân Cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) cho tàu đến 160.000 tấn giảm tải hoặc lớn hơn...
Cùng đó, tới đây cần nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến luồng Vũng Tàu - Thị Vải thành luồng hai làn tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn/24.000 Teu phù hợp với tiến trình phát triển các bến cảng phía hạ lưu…
Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 102 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng sản lượng container thông qua cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải (kể cả hàng container nội địa) đạt 7,998 triệu Teu, tăng 37%.
Theo tìm hiểu, thời gian qua, tính riêng cảng Gemalink (tại Cái Mép - Thị Vải) đã đón thêm được khoảng 2 tuyến dịch vụ/tuần. Trước đây, cảng chỉ đón được khoảng 8 tuyến dịch vụ/tuần. Đặc biệt, phần lớn là các tàu ra vào cảng có trọng tải hơn 200.000 DWT.