Cục ĐTNĐ Việt Nam: Nỗ lực phổ biến pháp luật giao thông đến người dân vùng sông nước(Thứ năm, 19/12/2024 08:45 GMT+7)
Năm 2024, Cục Đường thủy nội địa VN tích cực chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng nhận thức, ý thức của người dân vùng sông nước về tuân thủ pháp luật giao thông đường thủy.
Một đoạn sông Hồng qua địa bàn tỉnh Phú Thọ
Liên Cục tìm giải pháp gỡ vướng mắc, bất cập trên tuyến trọng điểm
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, năm 2024 liên Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Đăng kiểm VN đã ban hành, triển khai "Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa tại các địa phương: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ".
Theo đó, Đoàn liên ngành 3 Cục đã cử các tổ công tác tiến hành rà soát, kiểm tra thực tế hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa và phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông Hồng, tuyến sông Lô thuộc địa bàn TP. Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ. Qua đó, báo cáo lãnh đạo 3 Cục những diễn biến, tình hình phát sinh để có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp trong công tác phối hợp trật tự ATGT đường thủy.
Khảo sát của liên ngành cho thấy, tuyến đường thủy thuộc địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ có đặc điểm tương đối phức tạp, đa dạng, trong đó 2 tuyến sông chính chảy qua gồm tuyến sông Hồng và sông Lô (là các tuyến sông cấp II). Tuyến sông Hồng chảy qua Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ với tổng chiều dài 222 km, tuyến sông Lô chảy qua Vĩnh Phúc, Phú Thọ với tổng chiều dài 98 km, trên tuyến có nhiều hoạt động thường xuyên diễn ra trên đường thủy như khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi, vận chuyển hàng hóa khác như than, đá, gỗ và vận chuyển hành khách ngang sông.
Trên tuyến còn tồn tại nhiều điểm sạt lở, khan cạn, "điểm đen" tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Cụ thể, tuyến sông Hồng vào mùa mưa nước chảy mạnh, tại các điểm khép góc có dòng chảy bị biến đổi và xoáy thẳng vào bờ phải, gây sạt lở. Trên tuyến có 24 điểm khan cạn, trong đó có 5 điểm tiềm ẩn TNGT, điển hình: khu vực cầu Văn Lang địa bàn xã Phú Cường, huyện Ba Vì; hạ lưu cầu Vĩnh Thịnh địa bàn xã Đường Lâm (Tx. Sơn Tây, Hà Nội); địa bàn các xã Vân Nam, Vân Hà, Xuân Đình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội); đoạn Km 269 (xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) - Km 355 (xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Trên tuyến có 1 "điểm đen" tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT tại khu vực cầu Văn Lang, đoạn Km 256 - Km258, do có dải đá ngầm.
Còn tuyến sông Lô, vào mùa khô có nhiều điểm khan cạn khiến các phương tiện thủy không di chuyển được. Vào mùa mưa có nhiều ghềnh đá, nước xoáy (tập trung tại khu vực Phong Vân, Cổ Đô - Ba Vì), tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT. Trên tuyến có 9 "điểm đen" tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT, như: khu vực thượng lưu cầu Việt Trì - Hạc Trì đoạn Km2 - Km2+700 và thượng lưu cầu Văn Lang do có nhiều bãi cạn, bãi đá ngầm; khu vực cụm cầu Việt Trì - Hạc Trì do khoang thông thuyền hai cầu so le với nhau.
Do đặc điểm về địa hình và khí hậu nên vào mùa khô các phương tiện thủy lưu thông trên tuyến sông Hồng không thể di chuyển qua khu vực thượng lưu cầu Việt Trì, Văn Lang (đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa phường Bến Gót, Việt Trì, Phú Thọ và TP. Hà Nội) nên tình trạng phương tiện tập kết ùn ứ, xếp dỡ hàng hóa trái phép tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động còn diễn ra phổ biến. Một số thời điểm, tại khu vực ngã ba sông giáp ranh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Phú Thọ có nhiều phương tiện neo đậu tràn lan gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT luồng, tuyến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT, công tác xử lý còn nhiều khó khăn nên chưa thể xử lý triệt để.
Từ kết quả khảo sát trên, Đoàn kiểm tra liên ngành 3 Cục kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng địa phương có các giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thông thủy. Trong đó, đề nghị Sở GTVT Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ tham mưu cho UBND cấp tỉnh nghiên cứu, lập quy hoạch và công bố phạm vi vùng nước neo đậu cho các phương tiện để nhằm mục đích quản lý các phương tiện neo đậu có trật tự, không gây mất trật tự ATGT cũng như bảo đảm công tác an ninh, trật tự xã hội.
Cùng đó, kiến nghị Sở GTVT địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo các địa phương trực thuộc phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các bến thủy nội địa hết hạn hoạt động, hoạt động không phép.
Phối hợp liên ngành góp phần tạo sự đồng bộ trong công tác tuyên truyền
pháp luật, quản lý giao thông đường thủy - Ảnh tư liệu
Các đơn vị đường thủy tích cực phối hợp tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy
Từ kết quả công tác phối hợp liên ngành 3 Cục trong năm 2024, Cục Đường thủy nội địa VN tham mưu, đề xuất Bộ GTVT một số giải pháp trong công tác quản lý bến thủy nội địa, nghiên cứu, tháo gỡ về thủ tục đối với những bến thủy nội địa hết hạn hoạt động và những bến thủy có đủ điều kiện cấp phép hoạt động.
Cùng đó, Cục chỉ đạo các đơn vị đường thủy tăng cường phối hợp với các cơ quan trên địa bàn được giao quản lý để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các chủ cảng, bến thủy nội địa về trình tự và thủ tục cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các bến thủy nội địa hoạt động không phép, và các phương tiện neo đậu không đúng quy định. Nghiên cứu tiếp tục có kế hoạch thanh thải vật chướng ngại, khơi thông luồng chạy tàu phía thượng lưu sông Hồng, sông Đà, sông Lô.
Về phía các đơn vị đường thủy (Cảng vụ, Chi cục đường thủy), thực hiện hướng dẫn của Cục và liên Cục Đường thủy nội địa VN, Cảnh sát giao thông và Cục Đăng kiểm VN, các đơn vị đường thủy tích cực phối hợp liên ngành thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường thủy đến các chủ thể tham gia hoạt động giao thông đường thủy. Các hoạt động tuyên truyền gắn liền giữa phổ biến pháp luật với ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của người dân, đối tượng tuyên truyền…
Có thể kể đến, các đơn vị đường thủy tham gia liên ngành đảm bảo ATGT TP. Hà Nội tặng 200 áo phao cứu sinh cho 40 người dân có phương tiện thủy và 18 hộ dân làng chài xóm Tân Tiến, thôn Kiều Mộc, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì. Tổ chức cho 100% chủ, người quản lý cảng, bến, bãi ký cam kết không bốc xếp hàng hóa, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, bảo đảm hàng hóa vận chuyển phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ… Liên ngành tỉnh Phú Thọ tuyên truyền đến hơn 2.000 lượt phương tiện tham gia giao thông, yêu cầu trên 700 lượt chủ bến, người quản lý cảng, bến, bãi, chủ phương tiện, người tham gia giao thông ký cam kết chấp hành nghiêm luật giao thông đường thủy.
Cùng với tuyên truyền, liên ngành đường thủy cấp cơ sở tại Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm hơn chục trường hợp cảng, bến thủy hoạt động không phép; bàn giao cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với gần chục phương tiện thủy tự ý hoán cải kết cấu. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở, tổ chức cho chủ các cảng, bến thủy nội địa ký cam kết chấp hành các quy phạm pháp luật. Đối với các cảng, bến thủy nội địa hết phép, bến bãi tập kết chưa được cấp phép, yêu cầu không được hoạt động khi chưa có quyết định công bố cảng, bến theo quy định.
P.V