Cục HKVN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác an toàn hàng không năm 2024
(Thứ năm, 26/12/2024 13:41 GMT+7)
Cục HKVN vừa tổng kết công tác an toàn hàng không năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Phó Cục trưởng Cục HKVN Hồ Minh Tấn chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các phòng thuộc Cục HKVN, các Cảng vụ hàng không khu vực, lãnh đạo các đơn vị: Công ty trực thăng Việt Nam, các Tổ chức bảo dưỡng tàu bay, các Trung tâm huấn luyện bay, các Công ty phục vụ mặt đất, các Công ty dịch vụ hàng hóa, Công ty cổ phần nhiên liệu bay, cảng HKQT Vân Đồn và các hãng Hàng không Việt Nam...
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Phó trưởng Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay Cục HKVN trình bày báo cáo trung tâm tổng kết công tác an toàn năm 2024.
Theo báo cáo, tính đến ngày 20/12/2024 tổng số tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 249 chiếc (220 tàu bay cánh bằng và 29 trực thăng), giảm 12 tàu bay so với năm 2023.
Sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 53,3 triệu khách (giảm nhẹ 4,5% so với năm 2023). Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc tế tăng 18,5% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 445,7 nghìn tấn (tăng 35,7% so với cùng kỳ 2023).
Cũng trong năm 2024, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện được 306.000 chuyến (giảm 11% so với cùng kỳ 2023) tương ứng với 674.000 giờ bay (giảm 8% so với cùng kỳ 2023).
Hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đã dần phục hồi, hoạt động vận tải hàng không cơ bản đảm bảo an toàn. Các chỉ số an toàn trên 1000 chuyến bay được duy trì tốt.
Cục HKVN đã triển khai hiệu quả chương trình giám sát an toàn liên tục trong năm 2024 đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không, Cảng hàng không sân bay, đặc biệt là trong các giai đoạn cao điểm.
Tháng 05/2024, Đoàn Thanh sát an toàn hàng không toàn cầu USOAP (Universal Safety Oversight Audit Programme) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã thực hiện đánh giá tổng thể năng lực đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam. USOAP đã công bố báo cáo đánh giá chính thức vào tháng 10/2024.
Theo đó, điểm trung bình chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) trong công tác đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam đạt được 78,14% (tăng 12,58% so với kết quả đánh giá năm 2016 (65,56%). Kết quả đạt được là sự ghi nhận cho những nỗ lực của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian qua.
Quang cảnh Hội nghị
Bên cạnh những điểm tích cực, còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn. Tình trạng thiếu tàu bay khai thác tiếp tục diễn ra do lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt Whitney (hiện tại có tổng số 26/53 tàu bay A321NEO đang phải bảo quản dừng bay); nguồn cung ứng thiết bị tàu bay khó khăn; các hãng hàng không tối ưu hoá thời gian sử dụng tàu bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển làm tăng áp lực cho hệ thống bảo dưỡng, cung ứng vật tư, khí tài; nguồn nhân lực, công cụ theo dõi của Cục HKVN còn hạn chế để thực hiện công tác giám sát an toàn hiệu quả; việc sự phối hợp giữa các bên liên quan trong chia sẻ thông tin, xử lý sự cố chưa được chặt chẽ; hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu về an toàn còn chưa đồng bộ, hiệu quả….
Trước tình hình như vậy, Cục HKVN đã chỉ đạo triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro như: tổ chức thực hiện rà soát công tác đảm bảo an toàn thông qua các hoạt động của các Đoàn kiểm tra an toàn tối thiểu của năm (MARI), các đợt kiểm tra gia hạn GCN Người khai thác tàu bay đối với tổ chức, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đối với tàu bay, cũng như các đợt kiểm tra an toàn đột xuất; Tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong việc tìm kiếm và bổ sung tàu bay (bao gồm thuê khô và thuê ướt) để đáp ứng nhu cầu khai thác; Tăng cường nâng cao các biện pháp đảm bảo an toàn trong bối cảnh các hãng hàng không tối ưu hoá thời gian sử dụng tàu bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển; rà soát hiệu quả các giải pháp giảm thiểu rủi ro và thực hiện tăng cường bổ sung trong trường hợp cần thiết, chia sẻ thông tin an toàn đến các đơn vị trong ngành để ngăn ngừa sự cố; Tổ chức việc xếp lịch bay tính đến quản lý rủi ro mệt mỏi và các báo cáo mệt mỏi của tổ bay nhằm tăng giới hạn (margin) của tổ bay đối với các tình huống không lường trước, bất thường trong chuyến bay; Kiểm tra công tác huấn luyện, giám sát việc tuân thủ quy trình, thao tác, chế độ ca, kíp trực việc tuân thủ kỷ luật của nhân viên; Tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thiết bị; đầu tư thay thế các hệ thống, thiết bị có thời gian hoạt động lâu năm; Rà soát và ban hành sửa đổi, bổ sung sơ đồ chướng ngại vật sân bay - loại A, loại B, danh mục chướng ngại vật tại các sân bay; sửa đổi, bổ sung sơ đồ bề mặt giới hạn chướng ngại vật tại 22 cảng hàng không, sân bay...
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, trong năm 2024, Cục HKVN đã tổ chức kiểm tra an toàn hàng không tại một số đơn vị về việc chấp hành các quy định về đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không; bảo dưỡng tàu bay, thiết bị tàu bay; bảo đảm an ninh hàng không tại Cảng hàng không, sân bay; việc chấp hành các quy định của pháp luật về hàng không dân dụng của Việt Nam đối với các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Cảng hàng không, sân bay; tổ chức kiểm tra nội dung về quản lý rủi ro mệt mỏi trong công tác điều hành bay tại ACC Hà Nội và APP/TWR Nội Bài; kiểm tra an toàn khai thác tại Cơ sở cung cấp dịch vụ bay kiểm tra, hiệu chuẩn, bay đánh giá phương thức bay; kiểm tra việc thiết lập và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng AIS/AIM; tổ chức kiểm tra công tác khắc phục về an toàn khai thác ANS và các nội dung tu chỉnh của bảng kiểm tra.
Hội nghị cũng được nghe đại diện Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Công ty VAECO, Công ty Cổ phần hàng không Vietjet trình bày các tham luận liên quan đến công tác đảm bảo an toàn hàng không, các giải pháp nâng cao năng lực toàn hệ thống, cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay....
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Hồ Minh Tấn đánh giá cao và biểu dương các đơn vị đã cùng phối hợp, triển khai công tác bảo đảm an toàn hàng không trong năm 2024 đạt kết quả an toàn tuyệt đối, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn bay. Công tác an toàn hàng không là tiêu chí số một, cần có sự vào cuộc từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không, từ lãnh đạo cao nhất cho đến từng cá nhân tham gia. Cục HKVN sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị để trao đổi, tháo gỡ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đưa ra các giải pháp nhằm đạt được mức độ cao nhất về an toàn hàng không.
Với nhiều đề xuất được xem xét, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của các đơn vị, cũng như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục HKVN, Hội nghị tổng kết đã thống nhất phương hướng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Phó Cục trưởng Cục HKVN Hồ Minh Tấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Sang năm 2025, Cục HKVN đề ra một số giải pháp trọng tâm trong năm 2025 như: tiếp tục giữ vững công tác đảm bảo an toàn bay; rà soát công tác khắc phục toàn diện đối với các nội dung khuyến nghị của đợt đánh giá ICAO USOAP; sửa đổi, bổ sung Chương trình an toàn hàng không quốc gia và Kế hoạch An toàn hàng không quốc gia.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để duy trì, đồng bộ toàn bộ hệ thống khai thác; đánh giá hệ thống, quá trình xử lý các vấn đề về an toàn của các hãng hàng không, phổ biến bài học kinh nghiệm về an toàn đến tất cả các cá nhân trong hệ thống; xây dựng bổ sung kế hoạch kiểm tra giám sát định kỳ.
Tiếp tục nghiên cứu thiết lập các đường hàng không mới theo kế hoạch của ICAO; Rà soát, triển khai thiết lập mới, bổ sung, nâng cấp, hủy bỏ các đường hàng không ATS/PBN.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn và quản lý an toàn hoạt động bay, kiện toàn đội ngũ giám sát viên, tổ chức huấn luyện và bổ nhiệm giám sát viên an toàn hoạt động bay.
Hoàn thành công tác công bố chuyển đổi sức chịu tải đường cất hạ cánh theo phương pháp ACR-PCR (đánh giá theo phương pháp kỹ thuật) theo lộ trình.
Tiếp tục triển khai chương trình ACDM theo lộ trình tại các Cảng hàng không sân bay. Nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể về khai thác tàu bay điều kiện thời tiết bất lợi, điều kiện tầm nhìn hạn chế. Sửa đổi, bổ sung các quy định để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của thiết bị UAS, laser, đèn công suất cao...