Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm phát triển, vận hành hạ tầng giao thông hiện đại(Thứ hai, 18/12/2023 15:39 GMT+7)
Sáng 18/12, Bộ GTVT đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản (JTTRI) và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) đồng tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng giao thông bền vững (đường sắt, cảng biển, cảng hàng không).
Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023) và nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng GTVT.
Thứ trưởng Nguyên Danh Huy đánh giá, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng và là cơ hội
để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách
hai nước trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm
Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, Việt Nam xác định đột phá về hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối và liên thông cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
“Nhiệm kỳ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành GTVT dưới sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng với sự hỗ trợ hết sức quý báu của bạn bè quốc tế, trong đó có những hỗ trợ đến từ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, diện mạo cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam đã có sự thay đổi đáng ghi nhận”, Thứ trưởng nhận định và cho biết thêm, trong thời gian tới, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Việt Nam sẽ tập trung triển khai đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo 5 quy hoạch ngành quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt trong các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến 2045 trở thành nước có thu nhập cao, phát triển GTVT hiện đại, đồng bộ, bền vững.
Mục tiêu này đặt ra những áp lực và nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi các nhà quản lý phải xây dựng những chiến lược về quản lý và quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũng như chuẩn bị, triển khai và vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam kêu gọi hợp tác, hỗ trợ và đầu tư với các đối tác/bạn bè quốc tế, đặc biệt là các đối tác đến từ Nhật Bản - “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam tại các dự án quan trọng này.
“Hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa cực kì quan trọng và là cơ hội quý báu để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản và Việt Nam trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Nhật Bản trong xây dựng các chính sách, cơ chế cũng như đề xuất áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại trong các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt... Điều này càng đặc biệt hơn khi hai nước vừa thiết lập mối quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) - Mối quan hệ mở ra thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ và sâu rộng hơn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung của cả hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Khai mạc hội thảo, ông Masafumi Shukuri, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản (JTTRI), Chủ tịch Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao quốc tế nhấn mạnh, quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam - Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân. Đặc biệt, tháng 11/2023, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng tầm mối quan hệ hai nước thành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Hợp tác nhằm phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại,
Trong tuyên bố chung, lĩnh vực GTVT đã được thống nhất thúc đẩy hợp tác. Thời gian qua, với sự hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản, rất nhiều công trình hạ tầng giao thông của Việt Nam đã được xây dựng, nâng cấp như sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân, tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM..., góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Ông Masafumi Shukuri cho biết, thời gian tới, Việt Nam đặt ra các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo môi trường, trung hòa carbon, bền vững. Do vậy, phía Nhật Bản mong muốn thông qua Hội thảo này, với sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý từ Nhật Bản sẽ thông tin được các kinh nghiệm trong đầu tư, vận hành và các giải pháp như chuyển đổi xanh trong lĩnh vực đường sắt, cảng biển, cảng hàng không.
Ông Masafumi Shukuri phát biểu khai mạc hội thảo
“Hy vọng rằng, thông qua hội thảo, sẽ làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết giữa hai bên, đồng thời Nhật Bản cũng đóng góp, hỗ trợ được Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát triển GTVT bền vững. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác lĩnh vực GTVT”, Chủ tịch Viện JTTRI Masafumi Shukuri nói.
Phát triển hạ tầng giao thông bền vững, giảm phát thải về 0
Thông tin về quy hoạch hạ tầng GTVT Việt Nam, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đến năm 2030 khoảng 2.069 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bảo trì hạ tầng). Trong đó nhu cầu vốn đầu tư cho các lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không khoảng 1.011 nghìn tỷ đồng (chiếm 48,9%).
“Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hạ tầng theo quy hoạch và bền vững, sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng xanh, sạch để đáp ứng cam kết của Việt Nam tại COP26 là đến 2050 đưa phát thải ròng về 0”, ông Phạm Hoài Chung cho biết.
Về cảng biển, quy hoạch định hướng đến 2030 có 36 cảng biển, trong đó có 3 cảng biển đặc biệt, 14 cảng loại I, 6 cảng loại II, 13 cảng loại III. Tầm nhìn đến 2050 sẽ đầu tư đồng bộ cảng, luồng hàng hải, công trình phụ trợ, hệ thống xếp dỡ và giao thông kết nối.
Lĩnh vực đường sắt, quy hoạch định hướng đến 2030 có 16 tuyến đường sắt quốc gia với tổng chiều dài 4.820km, trong đó đầu tư mới 9 tuyến với tổng chiều dài 2.362km. Tầm nhìn đến 2050, có 25 tuyến với tổng chiều dài 6.354km; hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Lĩnh vực hàng không, đến 2030 có 30 cảng hàng không, trong đó 14 cảng hàng không quốc tế, 16 cảng hàng không quốc nội; tầm nhìn đến 2050, phát triển thêm 3 cảng hàng không quốc nội.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và vận hành hạ tầng giao thông tại Nhật Bản, ông Uehara Atshushi, Thứ trưởng Bộ MLIT cho biết, cùng với đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, Nhật Bản chú trọng vào vận hành cơ sở hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, trong bối cảnh dân số giảm và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, cần có sự tham gia và đầu tư phần lớn của các đơn vị công vào cơ sở hạ tầng chiến lược như sân bay, bến cảng, hình thành nhiều hình thức hợp tác công tư (PPP).
Lĩnh vực đường sắt, khoảng 28.000km mạng lưới đường sắt đã được phát triển trên khắp đất nước, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Trong đó, dịch vụ bảo trì và vận chuyển cơ sở vật chất chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp trên cơ sở tự cung cấp dựa trên khả năng tự sinh lời, thu từ chi phí của người sử dụng dịch vụ.
Về phát triển cảng biển, tại Nhật Bản phát triển 102 cảng lớn và 807 cảng địa phương. Lĩnh vực hàng không, có 97 sân bay, trong đó 42 sân bay cho loại máy bay lớn.
“Nhật Bản quan tâm và có nhiều giải pháp phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng giao thông hướng tới loại bỏ hợp chất carbon”, ông Uehara Atshushi cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia đến từ Bộ MLIT chia sẻ thông tin về kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản; chính sách về cảng biển của Nhật Bản; phát triển và vận hành cảng hàng không; sáng kiến giảm thiểu carbon.
H.N