Thứ trưởng Bộ GTVT: "Rất cần sự cống hiến, nỗ lực của những người làm cao tốc"(Thứ tư, 27/12/2023 13:49 GMT+7)
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá, kết quả công tác của Cục Đường cao tốc Việt Nam (ĐCTVN) là rất đáng tự hào. Giai đoạn phát triển đường cao tốc hiện nay rất cần sự cống hiến, nỗ lực của những người làm cao tốc.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024
của Cục ĐCTVN vào sáng ngày 27/12
Tiên phong cho quá trình chuyển dịch
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 của Cục Đường cao tốc Việt Nam diễn ra vào sáng nay (27/12), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, được thành lập từ năm 2022 đến nay, dù thời gian thực hiện nhiệm vụ rất ngắn, song, kết quả công tác của Cục ĐCTVN là những đóng góp to lớn, đáng tự hào.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, trụ sở Cục ĐCTVN thường xuyên "chong đèn" đến 12 giờ đêm trong giai đoạn ngành GTVT đứng trước nhiều khó khăn, thách thức vừa qua để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ, bao gồm hỗ trợ các địa phương. Trên khắp các dự án, Cục ĐCTVN đã khẳng định được phong cách, năng lực, trình độ, sự chuyên nghiệp.
Chia sẻ với cán bộ, công nhân viên chức của Cục ĐCTVN, Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ, Cục ĐCTVN được thành lập và hoạt động tất yếu phải theo tư duy mới, cách nghĩ mới, cách làm mới, từ đó tạo ra một mô hình mới. Điều quan trọng nhất là phải làm sao để mô hình mới này trở thành tiên phong cho quá trình chuyển dịch, tạo đột phát phát triển của Bộ GTVT.
"Ai có tư tưởng trì trệ, né tránh công việc, phải loại ngay khỏi tổ chức này", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói và nhấn mạnh, không thể để tồn tại tư duy cũ, cách làm cũ.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ: "Ở đây cũng nhiều người thường xuyên đi công trường với tôi, chắc đã đủ hiểu. Trước khối lượng công việc và thời hạn tiến độ gấp gáp tưởng chừng không thể hoàn thành, nhưng với cách chỉ đạo mới, điều hành mới, từ Chính phủ đến Bộ GTVT, đến từng hạng mục thi công trên công trường, chúng ta đã làm được những việc khó, biến việc không thể thành có thể, minh chứng rõ nét cho hiệu quả của cách nghĩ mới, cách làm mới, mô hình tổ chức điều hành mới…".
Nhìn lại sự phát triển của đường cao tốc trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn "nước rút" hoàn thành hàng loạt cao tốc vừa qua, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, thành công đến từ sự phối hợp, kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Sự đoàn kết, hỗ trợ thông suốt chính là bài học kinh nghiệm xương máu đề ngành GTVT đạt được thành tựu lịch sử vừa qua.
"Trên hỗ trợ dưới, dưới hỗ trợ trên; Bộ hỗ trợ địa phương, địa phương tương trợ Bộ; hỗ trợ ở chiều dọc, hỗ trợ ở chiều ngang. Đặc biệt là các nhà thầu, khi đấu thầu thì cạnh tranh khốc liệt, khi thi công thì tương trợ nhau tích cực vì một mục tiêu chung là hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng của tuyến đường", Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị mỗi cán bộ, công nhân viên chức của Cục ĐCTVN hãy tự hào về những công việc mình đang làm khi đóng góp cho đất nước những tuyến đường cao tốc làm nền tảng, động lực cho sự phát triển.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục ĐCTVN tiếp tục củng cố lực lượng để nâng cao hiệu quả giải quyết các công việc lớn của ngành GTVT, đặc biệt là phát triển hệ thống đường cao tốc với mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Ngoài việc cống hiến cho các dự án cao tốc của Bộ GTVT, còn phải cống hiến cho các dự án cao tốc của địa phương.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đặc biệt nhấn mạnh, Cục ĐCTVN phải tập trung, dốc sức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc hình thành hệ thống trạm dừng nghỉ và hệ thống ITS đồng bộ trên các tuyến cao tốc. Cùng với đó, Cục ĐCTVN cũng phải tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới đường cao tốc; hoàn chỉnh quy chuẩn đường cao tốc…
Hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ
Trước đó, điểm lại những kết quả công tác nổi bật trong năm 2023, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục ĐCTVN cho biết, Cục ĐCTVN hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2023.
"Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về trang thiết bị làm việc, cơ sở vật chất, số lượng nhân sự hạn chế, khối lượng công việc lớn, phức tạp, song được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Bộ GTVT, cán bộ, công chức Cục ĐCTVN đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, nỗ lực làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành các công việc được giao đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng các dự án được thực hiện hết sức khẩn trương, kỹ lưỡng, bài bản, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ theo yêu cầu", Cục trưởng Lê Kim Thành nói.
Nổi bật trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đối với các dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, Cục ĐCTVN đã hoàn thiện thủ tục thẩm định, tham mưu Bộ GTVT trình Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; phối hợp tham gia ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi, phương án đầu tư các dự án cao tốc bước chủ trương đầu tư, như: Chợ Mới - Bắc Kạn, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…
Đối với các dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, Cục ĐCTVN đã kịp thời tham mưu Bộ GTVT tham gia ý kiến về phương án đầu tư các dự án cao tốc, hướng dẫn triển khai các dự án cao tốc do địa phương, như: Hòa Lạc - Hòa Bình, Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh…
Đối với nhiệm vụ thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, Cục đã thực hiện tốt công tác thẩm định đối với các dự án giai đoạn chuẩn bị đầu tư, như: Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Tân Phú - Bảo Lộc.
Cục ĐCTVN tham mưu, phối hợp với địa phương hoàn thiện chủ trương đầu tư đối với 2 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia. Đến nay, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) hiện đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, Cục ĐCTVN đã thực hiện tốt công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng giai đoạn sau thiết kế cơ sở đối với các dự án như: Dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chơn Thành - Đức Hòa, Cao Lãnh - Lộ Tẻ…
Đối với các dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, Cục ĐCTVN đã thực hiện tốt công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng giai đoạn sau thiết kế cơ sở đối với các dự án như: Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; dự án thành phần 1, 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Tuyên Quang - Phú Thọ; Tuyên Quang - Hà Giang; dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để các chủ đầu tư, ban QLDA phê duyệt đáp ứng tiến độ khởi công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong thời gian rất ngắn do thời gian phê duyệt dự án đầu tư trước đó kéo dài, mốc khởi công dự án được ấn định.
Ngay từ khi được thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 10/2022, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GTVT, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, địa phương và sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể công chức và người lao động, Cục ĐCTVN đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2023
Cục ĐCTVN cũng phối hợp tốt với địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ, hướng dẫn các thủ tục nghiệm thu hoàn thành, nghiệm thu có điều kiện, đưa công trình tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài hơn 40 km vào khai thác.
Đối với các dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc xã hội hóa, Cục ĐCTVN đã tham mưu công tác quản lý hợp đồng các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đồng thời, Cục phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý đầu tư xây dựng kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng. Đến nay, dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm đã hoàn thành đưa vào khai thác, các dự án còn lại đang thực hiện để hoàn thành năm 2024 theo tiến độ yêu cầu…