Cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ quyết tâm thông xe dịp 30/4/2025(Thứ tư, 17/07/2024 11:32 GMT+7)

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh "Nếu quyết tâm cao, dự án Vạn Ninh - Cam Lộ có thể khánh thành đưa vào khai thác phục vụ nhân dân vào dịp 30/4 năm sau" khi thị sát cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ chiều 16/7.


Cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ quyết tâm về đích trước thời hạn- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. 

Đẩy nhanh tiến độ bù khối lượng còn thiếu

Báo cáo với Bộ trưởng, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) cho cho biết: Dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ đã hoàn thiện gần 45km nền đường (đạt gần 72%); phần móng đường hoàn thành 40km (đạt gần 65%) và lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng đạt gần 55%. Đáng kể nhất, toàn dự án đã hoàn thành 30km các lớp bê tông nhựa C19 và có hơn 22km hoàn thành bê tông nhựa mặt C16.

Toàn công trường hiện có 25 mũi thi công cầu, 45 mũi thi công đường, cống, hầm chui với tổng số gần 660 thiết bị, trên 1.500 công nhân. Hiện tại, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nguồn vật liệu được khơi thông, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ và bù khối lượng còn thiếu so với mốc dự kiến.

"Nhờ sự chỉ đạo sát sao Chính phủ, các cơ quan Trung ương và đặc biệt là sự chỉ đạo của Bộ GTVT cùng sự phối hợp của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, mặt bằng được giải phóng khoảng 64km, đạt hơn 96% chiều dài toàn tuyến. Còn lại gần 1,5km vẫn còn tồn đọng, dạng "xôi đỗ". Toàn tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đạt gần 49% tiến độ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT", ông Quý nói.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp với Quảng Bình, Quảng Trị xử lý mặt bằng tồn đọng và hoàn thành dứt điểm vào ngày 20/7 tới. 

Về phía nhà thầu thi công, ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch Tập đoàn Trường Thịnh báo cáo: Do vẫn còn vướng một số hộ dân nên dự án chưa thể thi công liền mạch. Nhà thầu cũng bày tỏ sự lo lắng nếu trong tháng 7 chưa có mặt bằng sạch khi mùa mưa tới sẽ khó xoay xở để bù tiến độ cho dự án. 

Nhà thầu cũng đề nghị các Bộ, ngành xem xét, tính toán lại giá vật liệu xây dựng, cự ly điều phối vật liệu trên tuyến sát với thực tế hơn.

Về phía địa phương, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cam kết với Bộ trưởng  sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 7 để đơn vị thi công thuận lợi. Đồng thời, Quảng Bình kiến nghị: Dự án cao tốc qua tỉnh Quảng Bình có 2 cây cầu lớn là cầu bắc qua sông Gianh và cầu Long Đại. Khi đưa vào khai thác, Quảng Bình mong muốn bổ sung thêm hạng mục điện chiếu sáng để tạo cảnh quan và đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường. 

Tương tự, ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng khẳng định: "Tỉnh đã yêu cầu các huyện hoàn thành công tác GPMB xong trước ngày 20/7 để bàn giao mặt bằng cho dự án. Sau thời hạn này, Quảng Trị sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng cưỡng chế, bảo vệ thi công theo quy định".

Trong khi mặt bằng còn chậm, các đơn vị đã bắt tay vào thi công, huy động nhân lực,

máy móc, thi công "3 ca 4 kíp" tranh thủ thời tiến thuận lợi bù tiến độ

Nỗ lực đưa cao tốc thông xe vào dịp 30/4/2025

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị phải giải quyết dứt điểm các vị trí "xôi đỗ" mặt bằng trong tháng 7, không làm ảnh hưởng đến tiến độ tuyến đường huyết mạch quốc gia.

Bộ trưởng biểu dương các nhà thầu, Ban Quản lý dự án bởi trong khi mặt bằng còn chậm, các đơn vị đã bắt tay vào thi công, huy động nhân lực, máy móc, thi công "3 ca 4 kíp" tranh thủ thời tiến thuận lợi để đạt được kết quả đáng khích lệ. 

"Nếu quyết tâm cao, dự án Vạn Ninh - Cam Lộ có thể khánh thành đưa vào khai thác phục vụ nhân dân vào dịp 30/4 năm sau", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng giao Ban QLDA Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cao tốc, Cục Đường bộ Việt Nam, các địa phương có dự án đi qua, hoàn thiện sớm các trạm dừng nghỉ, hệ thống hạ tầng giao thông thông minh...

"Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1 làm dự án cao tốc (trước năm 2021), các dự án sau này chúng ta phải làm đồng bộ, khi đưa vào khai thác phải xong các hạng mục, phải chất lượng hơn…" - Bộ trưởng nói.

Cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ là dự án thành phần nằm trong Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Cao tốc dài 65,5km, trong đó đoạn qua Quảng Bình khoảng 32,95km, Quảng Trị khoảng 32,53km. Dự án gồm 2 gói thầu với tổng mức đầu tư 9.900 tỷ đồng được khởi công từ tháng 1/2023.

Dự kiến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ sẽ hoàn thành vào tháng 10/2025. Tuy nhiên, do giải phóng mặt bằng trễ hẹn, gia hạn đến lần thứ 5 vẫn chưa hoàn thành, nên đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án trọng điểm quốc gia.

Trong chuyến thị sát cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua địa bàn Quảng Trị, Quảng Bình ngày 16/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT đã đến dâng hương, hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, các nghĩa trang liệt sỹ tại tỉnh Quảng Bình.

Thành cổ Quảng Trị được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành cổ. Nơi đây gắn liền với cuộc chiến 81 ngày đêm (từ 28/6 - 16/9/1972) lịch sử và phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn (tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản 1945).

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn là nơi quy tụ 10.263 phần mộ của các liệt sỹ trên khắp mọi miền đất nước, có tổng diện tích 140.000m2.

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là một trong hai nghĩa trang lớn nhất cả nước, và là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.800 anh hùng, liệt sỹ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

P.V