Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt, hàng không(Thứ tư, 06/11/2024 19:33 GMT+7)
Sáng 6/11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) cùng các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn.
Tham dự buổi tiếp có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị
Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
CRCC là doanh nghiệp nhà nước trung ương thuộc Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước của Quốc vụ viện; một trong những tập đoàn xây dựng tổng hợp mạnh và lớn nhất trên thế giới, xếp hạng thứ 39 trong Fortune Global 500, thứ 3 trong số 250 nhà thầu toàn cầu hàng đầu theo Tạp chí ENR của Mỹ, và thứ 12 trong số "500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc" vào năm 2021. Tập đoàn đã xây dựng 20.000 km đường sắt, cùng 8.000 km đường bộ cao tốc tại Trung Quốc.
Còn Tổng công ty Xây dựng công trình (CCECC) là công ty trực thuộc Tập đoàn CRCC, chủ yếu triển khai xây dựng các dự án đường sắt tại nước ngoài. Đến nay, với hơn 9.000 km đường sắt đã hoàn thành, CCECC chiếm 80% tổng khối lượng công trình đường sắt của Trung Quốc tại nước ngoài.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch CRCC bày tỏ tình cảm gắn bó của CRCC với Việt Nam, cho biết đơn vị tiền thân của tập đoàn này từng tham gia hỗ trợ Việt Nam xây dựng, khôi phục đường sắt trong thời gian chiến tranh và đang có nhiều hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Ông cho biết đã được khích lệ rất nhiều bởi những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và ngay sau đó đã trao đổi về cơ hội hợp tác mới với các doanh nghiệp Việt Nam.
Lãnh đạo tập đoàn CRCC bày tỏ quan tâm, mong muốn tham gia các dự án đường sắt,
đường tàu đô thị, đường bộ cao tốc, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo tập đoàn bày tỏ quan tâm, mong muốn tham gia các dự án đường sắt, đường tàu đô thị, đường bộ cao tốc, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, cũng như các ngành nghề lĩnh vực chiến lược mới nổi, trên tinh thần cùng thắng, cùng nhau lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Đặc biệt, tập đoàn hết sức quan tâm và đang nghiên cứu kỹ, mong muốn tham gia triển khai tuyến đường sắt Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, đồng thời đang nghiên cứu việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam của Việt Nam.
Hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm, đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quan hệ láng giềng hữu nghị, vừa là đồng chí, vừa là anh em Việt Nam – Trung Quốc đang phát triển rất tốt đẹp. Doanh nghiệp hai bên cần tăng cường hợp tác, thúc đẩy hiện thực hoá các thoả thuận cấp cao và các nội hàm hợp tác cụ thể để quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững.
Hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của CRCC và CCECC trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự lớn mạnh, trưởng thành, hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của Tập đoàn.
Đối với mong muốn tham gia các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng đường sắt, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Tổng công ty Đường sắt để đề xuất cụ thể, trước mắt là tiếp tục nghiên cứu tham gia dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng nối với Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tuyến đường sắt rất quan trọng, góp phần kết nối khuôn khổ "Vành đai, Con đường" và "Hai hành lang, một vành đai kinh tế", góp phần làm cho Vân Nam có đường ra biển nhanh hơn, các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định tập trung làm tuyến đường này với mục tiêu khởi công trong năm 2025, trong đó 3 yếu tố rất quan trọng là coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ và triển khai các thủ tục theo quy định một cách nhanh nhất để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cùng với tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị CRCC nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng quy mô lớn khác của Việt Nam như: tuyến đường sắt Hà Nội-Lạng Sơn; tuyến đường sắt Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các dự án đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh biên giới Việt Nam với Trung Quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, hiệu quả đo lường được, cân đong đo đếm được", lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước; triển khai các dự án hiệu quả nhất, nhanh nhất, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng cũng đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ hiện đại, năng lực quản trị và đào tạo nhân lực để góp phần nâng cao năng lực, phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Chủ tịch CRCC cảm ơn các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, cho biết sẽ lĩnh hội và quán triệt các ý kiến này, báo cáo các cơ quan chức năng của Trung Quốc, phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp liên quan để có thể tham gia triển khai các dự án theo quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
* Chiều 6/11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Tập đoàn tầu bay thương mại Trung Quốc (COMAC).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Ngụy Ứng Bưu - Phó Tổng Giám đốc thường trực
Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
COMAC là một doanh nghiệp quốc doanh được thành lập vào năm 2008, có trụ sở tại Thượng Hải, nhằm mục tiêu phát triển ngành hàng không thương mại của Trung Quốc. Công ty nổi tiếng với dòng tàu bay C919, mẫu tàu bay thân hẹp đầu tiên được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc, hứa hẹn sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các hãng máy bay nổi tiếng khác. Ngoài C919, COMAC còn phát triển mẫu tàu bay ARJ21, một dòng tàu bay khu vực.
Sở hữu và vận hành nhiều cơ sở sản xuất hiện đại, tính đến năm 2023, COMAC hiện có hàng chục nghìn nhân viên, bao gồm các kỹ sư, chuyên gia và công nhân lành nghề, làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, phát triển và sản xuất trên khắp Trung Quốc.
Tại cuộc tiếp, ông Ngụy Ứng Bưu khẳng định COMAC rất coi trọng thị trường Việt Nam khi kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là ngành hàng không Việt Nam là một động lực của ngành hàng không khu vực; mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam để cụ thể hóa, triển khai nhận thức chung, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thủ tướng đề nghị COMAC hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam về phát triển khoa học,
công nghệ khai thác không gian phục vụ phát triển đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
COMAC đã và đang kết hợp với Hãng hàng không Vietjet - hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Việt Nam, trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam.
Đánh giá cao trước thành tựu nghiên cứu, phát triển các dòng máy bay thương mại hiện đại của COMAC, góp phần đa dạng hóa thị trường cung cấp máy bay thương mại hiện đại, Thủ tướng nhấn mạnh cần coi trọng thời gian, trí tuệ thì mới có thể tạo đột phá phát triển và tin tưởng COMAC sẽ tiếp tục có các bước tiến mới trong lĩnh vực này.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất và toàn diện, trong đó hợp tác hàng không giúp kết nối, thúc đẩy thương mại, đầu tư được Việt Nam coi trọng.
Thủ tướng đánh giá cao đề xuất hợp tác của COMAC đối với Việt Nam khi đã triển khai đưa máy bay C919 đến Việt Nam trong triển lãm vào tháng 2/2024; hoan nghênh COMAC tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thị trường, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Vietjet, nhất là nghiên cứu, đánh giá các tàu bay để có thể lựa chọn phù hợp, theo các hình thức linh hoạt, giúp đa dạng đội bay của Việt Nam, thực hiện các chuyến bay đem lại hiệu quả cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ GTVT, COMAC, Vietjet tại cuộc tiếp
- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc COMAC hợp tác với Vietjet - hãng hàng không tư nhân rất năng động, tích cực, đổi mới, sáng tạo của Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn; đề nghị COMAC và Vietjet thúc đẩy hợp tác dưới nhiều hình thức, trong đó COMAC có hỗ trợ Vietjet về giá và các ưu đãi khác.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị COMAC nghiên cứu hợp tác, khai thác các đường bay khác tại Việt Nam và giữa Việt Nam với Trung Quốc; hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam về phát triển khoa học, công nghệ khai thác không gian phục vụ phát triển đất nước.
Nhất trí cao với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn COMAC cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Vietjet để triển khai; mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ để hợp tác giữa Vietjet và COMAC trở thành một điểm sáng, mô hình mới trong hợp tác giao thông vận tải giữa hai nước.
P.V