Kinh nghiệm vận hành đường sắt hiệu quả tại Mỹ và Nhật(Thứ tư, 08/07/2020 09:26 GMT+7)

Rất nhiều hãng đường sắt, chủ yếu ở Mỹ và khu vực Đông Á đạt được hiệu quả lợi nhuận nhờ những chiến lược riêng.


Đường sắt Nhật lột xác và phát triển mạnh nhờ quyết định tư nhân hoá hiệu quả

Dù phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình vận tải hiệu quả, nhanh và giá rẻ như hàng không, đường bộ… rất nhiều hãng đường sắt, chủ yếu ở Mỹ và khu vực Đông Á đạt được hiệu quả lợi nhuận nhờ những chiến lược riêng.

Lột xác nhờ tư nhân hoá đường sắt

Theo thống kê mới nhất từ Statista, Tập đoàn Union Pacific của Mỹ đang đứng ở vị trí công ty đường sắt lớn nhất thế giới với giá trị 108,4 tỉ USD. Nhật Bản cũng đứng trong top 10 với những khoản đầu tư khổng lồ và là một trong những quốc gia có hệ thống đường sắt hiện đại và hiệu quả nhất thế giới.

Nếu như phần lớn các công ty đường sắt trên thế giới dựa vào nguồn lực tài chính chủ yếu là từ trợ cấp chính phủ thì phần lớn những công ty đường sắt phát triển nhất lại rơi vào các công ty tự chủ về tài chính và cách thức kinh doanh chủ động, đa dạng.

Trong một bài phân tích về cải cách đường sắt, Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, để có thể thu hẹp khoảng cách tài chính thành công, đường sắt có thể thu hút tư nhân tham gia thông qua các cơ cấu và công cụ của đường sắt.

Ví dụ điển hình cho chiến lược tư nhân hoá đường sắt thành công phải kể đến Nhật Bản. Trong khi hệ thống đường sắt của nhiều nước sống chật vật nhờ nguồn trợ cấp quốc gia thì đường sắt Nhật kinh doanh với lợi nhuận khổng lồ, đồng thời phát triển công nghệ đường sắt cao tốc bậc nhất thế giới.

Đường sắt Quốc gia Nhật Bản chứng kiến sự phát triển vượt bậc kể từ khi tư nhân hoá vào năm 1987, phân chia thành 6 công ty đường sắt khu vực và 1 công ty chuyên chở hàng. Hiện tại, 5 trong 6 công ty là JR East, JR Central, JR West, JR Kyushu, và JR Freight làm ăn phát đạt. 4 đơn vị JR East, West, Central, và Kyushu đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cái lợi đầu tiên mà việc tư nhân hoá đem lại đó là cho phép các công ty đường sắt này được vận hành các hoạt động kinh doanh khác ngoài đường sắt như bất động sản, thương mại.

Hiện tại, lợi nhuận của những ngành phi giao thông chiếm 1/3 tổng số tiền thu về của các công ty này, riêng JR Kyushu có tới 60% lợi nhuận từ các ngành ngoài đường sắt. JR East đang kinh doanh trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn.

Bên cạnh đó, nhờ nguồn lực và khả năng làm việc có trách nhiệm sau khi tư nhân hóa, các công ty đường sắt Nhật Bản đã phát triển hiệu quả một số tuyến đường sắt đem lại lợi nhuận tốt với công nghệ đường sắt cao tốc (Shinkansen - tàu đầu đạn) và đủ sức cạnh tranh với ngành hàng không, tính cả về thời gian cũng như sự thuận tiện. JR Central ước tính, với chuyến đi từ Tokyo-Osaka, nếu đi tàu Shinkansen, hành khách chỉ tốn 2 giờ 22 phút trong khi mất tới 2 giờ 40 phút nếu đi bằng máy bay (tính cả thời gian ra sân bay).

Hiện tại, hoạt động kinh doanh hiệu quả giúp các công ty JR gần như độc lập tài chính hoàn toàn với chính phủ, không phải sống nhờ trợ cấp.

Vạch chiến lược, tận dụng tối đa tài sản

Với Union Pacific (UP), tập đoàn đường sắt đang đứng ở vị trí lớn nhất thế giới, thành công nhờ chiến lược tập trung vào vận tải hàng hoá: Chở than, các sản phẩm công nghiệp, hoá chất hoặc nông nghiệp.

Bản thân nước Mỹ là quốc gia rất coi trọng đường sắt, đặc biệt là trong vận tải hàng hoá. Gần 1/3 hàng hoá xuất khẩu của Mỹ được vận tải bằng đường sắt, góp phần tạo kết nối doanh nghiệp, đóng góp vào sự cạnh tranh toàn cầu cho sản phẩm Mỹ.

“Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, lợi nhuận của UP vẫn tăng, thậm chí tăng mạnh 2 con số. Đó là bởi UP biết nắm bắt cơ hội “trời cho” từ xu hướng mua hàng trực tuyến phát sinh từ thời buổi dịch bệnh và “nhận thấy rõ dòng nhu cầu thương mại điện tử đang chảy qua ngành vận tải đường sắt”, Giám đốc điều hành Union Pacific Lance Fritz tiết lộ.

Ngoài ra, một số công ty đường sắt tạo lợi nhuận từ chiến lược phát triển và mở rộng dịch vụ dựa trên nền tảng có sẵn của đường sắt như sử dụng tài sản của đường sắt như sân ga cho các nhà bán lẻ thuê, tận dụng hành lang cho doanh nghiệp viễn thông đặt cáp quang; Tận dụng ke ga cho thuê quảng cáo…

Nguồn: Báo Giao thông