Thị trường chia sẻ xe đạp tại Singapore hồi sinh thế nào?(Thứ ba, 04/08/2020 07:57 GMT+7)

Việc khởi động kinh doanh chậm rãi cho phép các công ty có thời gian hiểu rõ hành vi, đòi hỏi của hành khách từ đó phân bố nguồn lực hiệu quả.


Giám đốc Điều hành và đồng sáng lập SK Bike bên những chiếc xe đạp mang thương hiệu của công ty

Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển hình thức chia sẻ xe đạp với tốc độ chóng mặt, có thời điểm số lượng xe đạp tại Singapore lên đến 200.000 chiếc, chủ yếu do các công ty nước ngoài đầu tư, quản lý và nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, nhiều công ty nội địa rục rịch mở rộng dịch vụ chia sẻ xe đạp với những bước đi chậm rãi và cẩn trọng hơn.

Nguyên nhân thất bại lần 1 và khả năng hồi sinh

Làn sóng chia sẻ xe đạp đầu tiên rơi vào khủng hoảng năm 2019 sau khi các công ty chia sẻ xe, chủ yếu đến từ nước ngoài như Ofo, Mobike… mới hoạt động được chừng 2 năm, phá sản, bỏ dở hoạt động, để lại sân chơi với 3 người chơi chính - SG Bike, Anywheel và Moov Technology, tất cả đều là công ty nội địa.

Sau một thời gian im ắng, vài tháng trở lại đây, thị trường này bắt đầu có dấu hiệu phát triển trở lại, điển hình nhất là việc Cơ quan quản lý Giao thông đường bộ Singapore cấp phép cho Anywheel nới rộng số lượng xe từ 10.000 chiếc lên 15.000 chiếc. Trước đó, công ty khởi nghiệp địa phương SG Bike, nhà vận hành lớn nhất đã được cấp phép vận hành với 25.000 xe sau khi mua lại công ty Mobike có trụ sở tại Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng, thị trường chia sẻ xe đạp của Singapore thời điểm này sẽ chứng kiến làn sóng phát triển thứ 2 nhưng sẽ bền vững và quy củ hơn lần đầu. Bởi lần thứ nhất, mô hình kinh doanh chia sẻ xe đến với Singapore như cách người ta bắt đầu yêu thích Facebook và Netflix chủ yếu vì công nghệ sáng tạo và mới mẻ. Nhưng kinh doanh chia sẻ xe đạp khác ở chỗ, đây là mô hình vận tải và đặt ra rất nhiều vấn đề về vận hành, chi phí bảo trì hệ thống xe.

Sau thời gian bùng nổ, số lượng xe đạp chia sẻ từ 200.000 chiếc giảm xuống chỉ còn 45.000 chiếc.

Nhưng, với những kinh nghiệm rút ra từ làn sóng bùng nổ đầu tiên cũng như những thay đổi về môi trường, nhận thức của người dùng cũng như xu hướng thay đổi quy định, mở cửa cho hoạt động kinh doanh xe đạp công nghệ hiện nay của Singapore, các chuyên gia nhận định làn sóng thứ 2 sẽ thành công hơn.

Kinh nghiệm và yếu tố thuận lợi để phát triển

Theo phân tích của chuyên gia Goh Puay Guan, Phó Giáo sư tại Khoa Vận hành và Phân tích ngành kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), 2 trong 3 công ty chia sẻ xe đạp hiện tại đang tiếp cận việc mở rộng một cách cẩn trọng, theo quy mô thị trấn tại một số khu vực cụ thể, với tốc độ chậm thay vì mở ồ ạt như trước.

Đây là yếu tố rất quan trọng vì khi sử dụng xe đạp, người dùng không thể di chuyển những quãng đường xa, liên tỉnh như với xe bus hay xe hơi. Những đối tượng thường dùng xe đạp chia sẻ nhất thường là những người chỉ có nhu cầu đi từ nhà tới các nhà ga tàu điện hoặc điểm chờ xe bus. Do đó, các nhà vận hành phải quyết định những khu vực cụ thể tập trung nhiều người có nhu cầu sử dụng xe như trên để đặt trạm xe đạp sao cho tối ưu nhất.

Việc khởi động kinh doanh chậm rãi, cho phép các công ty có thời gian hiểu rõ hành vi, đòi hỏi của hành khách từ đó phân bố nguồn lực hiệu quả.

Yếu tố thuận lợi khác, có thể đem đến thành công cho các công ty chia sẻ xe giai đoạn 2 đó là, hiện nay họ nắm trong tay rất nhiều lựa chọn phương tiện, không chỉ có xe đạp điện mà còn cả phương tiện vận tải cá nhân (PMDs), từ đó có thể tiếp cận tới nhiều phân khúc khách hàng.

Hơn nữa, thị trường giao nhận thực phẩm trực tuyến đang phát triển rầm rộ trong 2 năm gần đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, cũng tạo ra nhu cầu mới đầy tiềm năng cho hoạt động chia sẻ xe. Sau đây, khi thị trường chia sẻ xe đạp phát triển đến ngưỡng nào đó, các công ty trong ngành này có thể tiến tới mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp như thu mua và hợp tác lẫn nhau.

Đây là xu hướng thường thấy ở một số thị trường trưởng thành hơn như công ty chia sẻ xe Lyft ở Mỹ, Didi tại Trung Quốc, từng mua lại các công ty chia sẻ xe để mở rộng hoạt động vận tải. Ở Trung Quốc, hoạt động chia sẻ xe đạp còn được kết hợp với thanh toán điện tử, giao nhận thực phẩm, quảng cáo địa phương.

Những thành bại trên thị trường chia sẻ xe đạp điện của Singapore có lẽ cũng là bài học tham khảo đáng giá mà nhiều thành phố/quốc gia khác trên thế giới đang hướng đến xây dựng hệ thống chia sẻ loại xe hai bánh này như TP Hà Nội của Việt Nam.

Nguồn: Báo Giao thông