Trung Quốc chi nhiều tỷ USD phát triển xe buýt điện(Thứ năm, 21/01/2021 15:46 GMT+7)
Chỉ một số ít quốc gia có được kết quả nổi bật trong phát triển xe buýt điện trong đó Trung Quốc là nổi bật nhất.
Thâm Quyến điện hóa toàn bộ dàn xe buýt điện
Thế giới đang diễn ra một cuộc cách mạng ngầm trong lĩnh vực vận tải công cộng bằng việc phát triển xe buýt điện, vừa để giải quyết vấn đề vận tải đô thị nhức nhối bấy lâu nay vừa đạt mục tiêu giảm khí thải. Tuy nhiên, chỉ một số ít quốc gia có được kết quả nổi bật và Trung Quốc là một ví dụ.
Trợ cấp “khủng”, gỡ rối chính sách
Theo thống kê của Công ty tư vấn quản lý McKinsey, từ 2013 - 2019, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của xe buýt điện (BEV) đều đạt 100% - vượt trội so với các phân khúc xe điện khác như xe cá nhân, xe tải. Xe buýt điện chiếm 33% tổng doanh số xe điện toàn cầu.
Công ty Tài chính Năng lượng mới Bloomberg (BNEF) cho biết, tính đến năm 2020, có khoảng 500.000 xe buýt điện đang vận hành trên toàn cầu. Dự kiến tới năm 2040, xe buýt điện sẽ chiếm 67% tổng doanh số xe điện toàn cầu.
Một trong những khu vực sử dụng xe buýt điện lớn nhất thế giới là châu Âu. Chỉ trong vòng 5 năm, số lượng xe buýt điện tại lục địa già tăng hơn 10 lần từ 200 lên hơn 2.200 chiếc, theo báo cáo từ Busworld.
Tuy vậy, “điểm sáng” nhất phải kể đến Trung Quốc. Năm 2017, Thâm Quyến là thành phố đầu tiên tại Trung Quốc cam kết 100% xe buýt vận hành hoàn toàn bằng điện (16.500 xe). Bắc Kinh, Thượng Hải… cũng đang trên đường phấn đấu có hơn 10.000 xe buýt điện.
Thực chất từ lâu, xe buýt điện đã được giới thiệu và xác định là loại hình vận tải của tương lai, giúp giảm khí thải nhưng do chi phí đầu tư, chuyển đổi cao và nhiều vướng mắc về công nghệ, hạ tầng nên loại phương tiện này chưa đạt bước phát triển lớn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chính phủ nhiều nước xác định ưu tiên, đầu tư mạnh cho xe buýt điện.
Báo cáo từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới công bố năm 2020 nhấn mạnh, đầu tư vào xe buýt điện là cách hiệu quả để tăng chất lượng không khí, giảm khí thải nhà kính từ giao thông đô thị.
Tại Trung Quốc, để có được vị trí hàng đầu thế giới về phát triển loại phương tiện này, Bắc Kinh đã tung gói hỗ trợ “khủng”. Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (Mỹ), trong giai đoạn từ 2009 - 2017, Trung Quốc đã chi 393 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 57,7 tỷ USD, 1,4 triệu tỷ đồng) hỗ trợ phát triển pin xe điện và công nghệ liên quan trên toàn quốc.
Lấy ví dụ tại Thâm Quyến, năm 2015, thành phố này nhận trợ cấp từ Trung ương 500.000 Nhân dân tệ (1,7 tỷ đồng)/xe buýt. Năm 2016, chính quyền thành phố cũng trợ cấp số tiền tương đương để mua xe buýt điện. Toàn bộ kinh phí trợ cấp được rót trực tiếp cho các nhà sản xuất xe buýt.
Nếu không có gói hỗ trợ từ địa phương, tổng giá trị một chiếc xe buýt điện khoảng 2,02 triệu Nhân dân tệ (7,1 tỷ đồng), cao hơn xe chạy bằng diesel 21% (1,67 triệu Nhân dân tệ). Nhờ có trợ cấp, chi phí này chỉ còn 1,07 triệu Nhân dân tệ (3,8 tỷ đồng), giảm 36% so với xe buýt diesel.
Trong khi đó, các đơn vị cung cấp hạ tầng sạc cũng nhận được trợ cấp đáng kể. Theo chiến lược “Kế hoạch Thâm Quyến Xanh” của chính quyền thành phố, hạ tầng sạc nhanh được trợ cấp 600 Nhân dân tệ (2 triệu đồng)/kW, hạ tầng sạc thấp hơn nhận trợ cấp 200 Nhân dân tệ (720 nghìn đồng)/kW. Những cơ sở sạc trên 40 kW được trợ cấp 300 Nhân dân tệ (1 triệu đồng)/kW.
Hơn nữa, chính quyền địa phương còn tháo gỡ cho các doanh nghiệp về vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng hạ tầng sạc. Trong giai đoạn từ 2016 - 2017, Thâm Quyến đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh quy trình xét duyệt đối với tất cả đề nghị sử dụng đất và cấp phép xây dựng hạ tầng sạc.
Chia sẻ trách nhiệm, rủi ro
Yếu tố được coi là cốt lõi làm nên thành công của chiến lược điện hóa xe buýt tại Thâm Quyến chính là chia sẻ trách nhiệm giữa các nhà sản xuất phương tiện, cung cấp dịch vụ sạc, vận hành xe buýt và phân bố rủi ro, chi phí cho các bên phù hợp.
Cụ thể, để phân rõ trách nhiệm, Công ty xe buýt Thâm Quyến (SBG) chỉ sở hữu và vận hành xe; Hạ tầng trạm sạc sẽ do các nhà cung cấp dịch vụ phụ trách. Đơn vị này sẽ đảm nhận nhiệm vụ xây dựng hạ tầng sạc (từ trạm sạc, thiết bị chuyển đổi, các cơ sở hạ tầng liên quan khác) và cung cấp dịch vụ sạc (thuê kỹ thuật viên để giám sát vận hành và bảo trì).
Cách thức này được áp dụng trên toàn quốc, không riêng ở Thâm Quyến nhằm đảm bảo thị trường cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ sạc, kể cả các công ty điện lưới.
Trong khối tư nhân, đơn vị nắm vai trò chủ chốt là nhà sản xuất xe buýt Thâm Quyến đã cung cấp gói bảo hành xe trong 8 năm (gần như bao phủ trọn đời một chiếc xe buýt tại Thâm Quyến). Ngoài ra, nhà sản xuất còn hỗ trợ bảo trì, đào tạo nhân viên vận hành.
Cách thức này không chỉ giảm bớt nỗi lo cho các nhà vận hành về kỹ thuật, giảm chi phí bảo trì mà còn khuyến khích các nhà sản xuất liên tục sáng tạo và cải thiện hoạt động xe buýt điện.
Trợ cấp giảm, các hãng tìm cách cải thiện công nghệ xe buýt điện
Trong năm 2020, Trung Quốc đã tính đến việc dừng chính sách hỗ trợ đối với các công ty phát triển pin xe điện và công nghệ liên quan. Tuy nhiên sau đó, chính phủ nước này đã gia thêm thời gian hưởng trợ cấp tài chính.
Lo ngại nguồn trợ cấp từ chính quyền Trung ương giảm dần và trong tương lai sẽ không còn, các hãng sản xuất xe buýt điện tại Trung Quốc buộc phải tìm cách để cải thiện công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời tích cực vận động hành lang để nhiều thành phố khác tại Trung Quốc ứng dụng loại hình phương tiện xanh này.