Cách nào tránh lây nhiễm Covid-19 khi ngồi chung xe?(Chủ nhật, 28/02/2021 08:50 GMT+7)

Nhiều Trung tâm Phòng tránh và Kiểm soát Dịch bệnh trên thế giới đã đề nghị người lái xe mở cửa sổ trong quá trình di chuyển.


Mở tất cả cửa ô tô trong lúc di chuyển có thể giúp hạn chế virus lây truyền

Trước tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài, người dân toàn cầu buộc phải sống chung, tìm cách bình thường hóa cuộc sống trong điều kiện mới. Một trong những nhu cầu thường trực của người dân là di chuyển, sử dụng xe hơi cá nhân, các dịch vụ taxi, chia sẻ xe... Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ngồi chung ô tô mà tránh được lây nhiễm virus?

Hướng dẫn di chuyển bằng ô tô an toàn

Khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, việc di chuyển bằng ô tô, sử dụng dịch vụ xe công nghệ đặt ra rất nhiều thách thức. Bởi, cứ mãi giãn cách xã hội là điều không thể trong khi các phân tử virus lại dễ dàng di chuyển trong môi trường xe kín, hẹp.

Virus gây viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) có thể lây lan qua giọt bắn từ các hành vi ho, hắt hơi hoặc qua dạng hạt khí dung (hay còn gọi là aerosol, loại giọt có kích thước siêu nhỏ dưới 5µm, đến mức có thể chui qua cả khẩu trang thông thường) bay ra trong lúc mọi người nói chuyện, thậm chí chỉ là thở.

Nhiều Cơ quan Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh trên thế giới khuyến cáo người dân nên hạn chế số người ngồi trong xe, chỉ nên từ 1-2 người, bao gồm cả người lái, kể cả khi người ngồi trong xe đều là người thân thuộc cùng gia đình.

Tất cả người ngồi trong xe phải đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn tay trước và sau khi ra khỏi xe. Chủ xe nên thường xuyên làm sạch và diệt khuẩn những khu vực hay chạm như nút bấm radio, điều chỉnh nhiệt độ, dây thắt an toàn, vô-lăng, cần số...

Đối với các phương tiện thương mại, nhiều hãng taxi và dịch vụ xe công nghệ như Uber và Lyft đã sử dụng tấm chắn giữa hàng ghế trước và sau để ngăn nguy cơ lây lan virus.

Phương pháp này chỉ giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm qua giọt bắn lớn trong trường hợp người ngồi trong xe ho hay hắt hơi chứ không giúp ngăn đường lây nhiễm qua hạt khí dung trong không khí. Vì vẫn có những khoảng trống, lỗ trong tấm ngăn mà các hạt này có thể xuyên qua.

Với đường lây truyền này, để hạn chế nguy cơ, nhiều Trung tâm Phòng tránh và Kiểm soát Dịch bệnh trên thế giới đã đề nghị người lái xe mở cửa sổ trong quá trình di chuyển.

Vì sao mở cửa xe giúp hạn chế virus lây lan?

Một nghiên cứu vừa được công bố đầu năm nay trên tạp chí y tế Science Advances qua sự kết hợp giữa giáo sư Vật lý Varghese Mathai và ba nhà khoa học đến từ Đại học Brown đã cho thấy những góc nhìn sâu về vấn đề này.

Trong cuộc thử nghiệm, ba nhà nghiên cứu đã sử dụng máy tính, mô phỏng các dòng không khí lưu thông bên trong một chiếc Toyota Prius đang di chuyển với tốc độ 80km/h.

Bối cảnh mô phỏng của thí nghiệm đó là trong xe có 2 người bao gồm một người ngồi ghế lái, người còn lại ngồi ghế khách ở phía sau, bên phải.

“Đây là cách xếp chỗ ngồi thường thấy trong mùa dịch khi người dân chia sẻ ô tô (từ sử dụng taxi truyền thống, dịch vụ chia sẻ xe như Uber, Lyft cho đến xe hơi thông thường) nhằm tăng mức giãn cách xã hội tối đa”, Giáo sư Vật lý Varghese Mathai giải thích.

Các nhà khoa học đặt giả thuyết người ở ghế lái nhiễm virus Covid-19 và người còn lại thì không đồng thời điều hòa ô tô được bật để tăng mức độ lưu thông không khí.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, khi toàn bộ 4 cửa sổ xe hơi bị đóng kín, sẽ có 8-10% lượng hạt khí dung từ người ngồi trong xe lan tới người còn lại. Đồng nghĩa, dù có ngồi giãn cách hết sức và đeo khẩu trang, vị khách vẫn có thể lây nhiễm virus từ người ngồi ghế lái.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu, khi các nhà khoa học thử hạ tất cả các cửa sổ xuống, mức lưu thông không khí đã tăng tối đa và mức độ khí dung từ người này lây sang người kia, được giảm đáng kể, chỉ còn ở 0,2 - 2%.

Song, các tác giả thừa nhận, việc mở tất cả cửa sổ khi di chuyển thường khá khó chịu, đặc biệt trong thời tiết mùa đông lạnh giá khắc nghiệt, trời mưa và khói bụi.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra lựa chọn tốt thứ 2 đó là mở cửa kính ở 2 phía những người ngồi trong xe, tức là mở một cửa ở phía người lái và cửa đối diện, cạnh người ngồi sau bên phải. Đồng thời, 2 cửa không cần phải mở toang hết mà chỉ cần hạ thấp xuống một nửa, là đủ mang lại hiệu quả.

“Cách thức này tạo ra môi trường như quạt chắn gió. Khi mở cửa kính ở 2 phía đối diện, không khí do người ngồi trong xe thải ra đều sẽ được hút ra ngoài, tạo điều kiện cho gió và không khí bên ngoài lưu thông tốt, làm loãng mật độ phân tử virus”, ông Varghese Mathai nói.

Trong trường hợp phải đóng kín cửa vì thời tiết mưa gió khắc nghiệt, người điều khiển phương tiện nên bật điều hòa hoặc hệ thống thông gió nhưng không nên để ở chế độ lấy gió trong (recirculating air mode). Vì ở chế độ này, hệ thống điều hòa sẽ sử dụng không khí tuần hoàn ở trong cabin đi qua lọc gió và đưa đến giàn lạnh để làm lạnh hoặc làm nóng nên không khí trong xe lại được tái lưu thông, các phân tử virus sẽ bị quẩn quanh, không thể thoát ra ngoài.

Nguồn: Báo Giao thông