Boeing tố thiết kế mới của Airbus không an toàn(Thứ hai, 08/03/2021 10:38 GMT+7)

Boeing cho rằng, cấu trúc bể chứa nhiên liệu được thiết kế để tăng tầm bay cho máy bay A321XLR của Airbus “tồn tại nhiều rủi ro tiềm tàng”.


Thiết kế máy bay Airbus A321XLR

Trong văn bản mới trình lên Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA), Boeing cho rằng, cấu trúc bể chứa nhiên liệu được thiết kế để tăng tầm bay cho máy bay A321XLR của Airbus “tồn tại nhiều rủi ro tiềm tàng”.

A321XLR là máy bay một lối đi có tầm bay dài nhất và đang được đánh giá là sản phẩm đáng chú ý ở thời điểm hiện tại.

Hiện, trên hầu hết máy bay, nhiên liệu được chứa ở cánh và bể chứa trung tâm. Song để đáp ứng nhu cầu di chuyển chặng dài, Airbus đã đưa thêm lựa chọn bể chứa nhiên liệu bổ sung nằm trong khoang hàng hóa đối với một số dòng máy bay A321.

Riêng với mẫu máy bay mới nhất của Airbus, hãng sản xuất máy bay châu Âu muốn dành thêm không gian chứa nhiên liệu bằng cách đúc thêm một bể ở ngay trong thân máy bay. Đồng nghĩa, bể chứa máy bay sẽ phải “uốn” theo hình dáng của thân máy bay và chứa thêm nhiều nhiên liệu hơn.

Với thiết kế đó, Boeing cho rằng: Khoang chứa nhiên liệu trong thân máy bay có nguy cơ gặp hỏa hoạn từ bên ngoài nếu không được đảm bảo an toàn thích hợp. Đồng thời, hành khách có thể không có đủ thời gian để sơ tán trong trường hợp tàu bay gặp sự cố như chệch khỏi đường băng.

EASA cũng để ý tới thiết kế này từ hồi tháng 1 và đề nghị Airbus nên bổ sung thêm một số điều kiện đặc biệt đảm bảo an toàn cho hành khách.

Về phía Airbus, đại diện hãng sản xuất khẳng định đã thực hiện tham vấn cộng đồng để tích cực phát triển thiết kế máy bay, cùng tìm ra vấn đề và xác định phương hướng giải quyết với các nhà lập pháp.

Việc Boeing đưa ý kiến với thiết kế máy bay của Airbus không phải không có tiền lệ. Trong ngành hàng không toàn cầu, các cơ quan lập pháp quốc tế cho phép các nhà sản xuất đưa ra ý kiến về bất cứ nghi vấn an toàn nào có thể ảnh hưởng tới toàn ngành.

Tuy nhiên, động thái của Boeing đáng chú ý vì diễn ra tại thời điểm quan trọng khi hãng sản xuất của Mỹ vừa quay trở lại sau khủng hoảng an toàn kéo dài hai năm liên quan tới dòng máy bay cạnh tranh 737 MAX. Bản thân Airbus cũng đối mặt với thử thách quan trọng khi các cơ quan chức năng khắt khe hơn sau sự việc của Boeing 737 MAX.

Một nguồn tin thân cận với dự án Airbus A321XLR cảnh báo, nếu quá trình cấp phép máy bay bị kéo dài vì tranh cãi, thời điểm ra mắt A321XLR có thể bị chậm lại so với kế hoạch từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024.

Nếu như vậy, Boeing có thể sẽ khuyến khích các hãng bay chờ thêm vài năm nữa, xem xét mua mẫu máy bay hoàn toàn mới của hãng mà theo nhiều chuyên gia trong ngành nó hoàn toàn có thể vượt mặt A321XLR.

Nguồn: Báo Giao thông