Siêu tàu mắc cạn trên kênh đào Suez, bài học về đầu tư phát triển hạ tầng(Thứ sáu, 02/04/2021 10:30 GMT+7)
Cuộc đua tăng kích thước tàu vận tải đã âm thầm diễn ra, trong khi hạ tầng cảng biển, kênh dẫn lại không kịp mở rộng để đáp ứng.
Tàu Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào Suez,
nguyên nhân ban đầu được nhận định là do gió lớn, bão cát
Cuối cùng thì tàu hàng Ever Given - một trong những tàu chở container lớn nhất thế giới cũng đã được kéo khỏi nơi mắc kẹt, cho phép khôi phục hoạt động trên kênh đào Suez. Tuy nhiên, sự cố cũng khiến người ta nhận ra, cuộc đua tăng kích thước tàu vận tải đã âm thầm diễn ra, trong khi hạ tầng cảng biển, kênh dẫn lại không kịp mở rộng để đáp ứng.
Mối nguy hại từ những siêu tàu
Cách đây hơn 1 thập kỷ, kênh đào Suez đã được đầu tư với chi phí hơn 5 tỷ USD để mở rộng nhằm đáp ứng kích thước của các tàu container mới. Song, chỉ trong thời gian ngắn, hạ tầng kênh Suez lại không đủ năng lực để đón nhận những con tàu lớn hơn vừa ra đời tại các xưởng đóng ở châu Á.
Sự việc tàu Ever Given với tải trọng 240.000 tấn, dài hơn 400m, gần bằng tòa nhà Empire State, bị mắc kẹt trên kênh đào Suez (Ai Cập) gây thiệt hại tới 400 triệu USD/giờ, hơn 9 tỷ USD/ngày, một lần nữa khiến vấn đề trở nên nhức nhối.
Hiện tại, ban quản lý Suez đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng kênh đào hơn nữa, cho phép tàu có kích thước lớn hơn lưu thông hai chiều ở khu vực phía Bắc. Nhưng, không có gì đảm bảo với tốc độ phát triển như hiện nay, kích thước của tàu chở container không tiếp tục được các chủ tàu hàng gia tăng.
Chỉ trong gần 10 năm qua, năng lực chở hàng của tàu biển đã tăng từ 5.000 container lên 20.000 container (tức là gấp 4 lần), theo đánh giá của báo The Guardian. Đồng nghĩa, cứ vài năm, năng lực chở hàng của tàu biển lại tăng lên gấp đôi để tối đa hóa lợi nhuận.
Báo Financial Times dẫn lời ông Stefan Verberckmoes, nhà phân tích vận tải cấp cao tại công ty tư vấn Alphaliner cho rằng: “Chúng ta đã và đang chứng kiến cuộc chạy đua chế tạo tàu lớn hơn trong ngành vận tải container suốt nhiều thập kỷ qua. Nhưng, hạ tầng cảng biển thế giới không thể theo kịp với tốc độ gia tăng kích thước của các tàu hàng”.
Những tiên lượng chính xác
Đáng chú ý, thực tế đã có nhiều nhận định, quan ngại về tình trạng tắc nghẽn, rủi ro từ những con tàu siêu lớn được đưa ra thời gian qua, nhưng những cảnh báo này đều bị phớt lờ.
Ông Rory Hopcraft, thành viên nhóm nghiên cứu về mối đe dọa hàng hải tại Đại học Plymouth từng nói: “Tàu càng lớn, mọi thứ lại phức tạp thêm một chút. Một nửa cảng biển của thế giới không thể tiếp nhận những con tàu có kích thước như vậy”.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Thế giới (OECD) còn từng tiên lượng về những khó khăn vất vả trong trường hợp phải cứu hộ các siêu tàu chở hàng đúng như những gì xảy ra trong vụ mắc kẹt trên kênh đào Suez vài ngày qua. Tổ chức này cho biết: Tàu càng lớn, càng khó cứu hộ, đòi hỏi nhiều thời gian, thêm tàu lai dắt, nạo vét hơn so với các tàu nhỏ.
Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định, các tàu container lớn nhất hiện nay đã đạt đến giới hạn chiều dài cho phép. Nếu chất container cao hơn, việc điều khiển tàu sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi gặp gió lớn. Còn nếu chất hàng theo chiều rộng, người lái sẽ gặp khó khăn trong quá trình vận hành tàu đi qua các khu vực chật hẹp, theo Financial Times.
Song, từ phía các tập đoàn đóng tàu, Giám đốc điều hành của 2 tập đoàn container lớn nhất thế giới AP Moller-Maersk và Hapag-Lloyd vẫn cho rằng các tàu container như Ever Given có kích thước phù hợp để xử lý khối lượng hàng hóa lớn trên toàn cầu.
“Những sự việc như Ever Given chỉ là không may. Tôi không cho rằng sự việc đó khiến chúng ta đi đến kết luận, tàu biển hiện nay có kích thước quá lớn”, ông Rolf Habben Jansen, Giám đốc điều hành Hapag-Lloyd nói và nhấn mạnh kích thước như vậy sẽ đem lại hiệu quả cao và thân thiện môi trường.
Các tàu chuyển hướng, “nín thở” trước nguy cơ cướp biển
Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn, đâm chéo vào bờ kênh đào Suez và mắc cạn sáng 24/3 khi di chuyển từ Biển Đỏ tới Địa Trung Hải. Con tàu gần như xoay ngang, bịt kín tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, khiến mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào phải tạm dừng.
Ít nhất hơn 400 tàu chở theo số lượng hàng hóa trị giá hàng tỷ USD đã mắc kẹt tại hai đầu kênh đào Suez do sự cố. Nghiên cứu từ công ty bảo hiểm Đức Allianz cho biết, mỗi ngày kênh đào Suez bị chặn có thể gây thiệt hại thương mại toàn cầu khoảng 6 - 10 tỷ USD.
Để tránh sự cố, một số tàu đã chọn phương án chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) của châu Phi, qua Somalia, Tây Phi và Vịnh Guinea. Với hành trình này, các tàu không chỉ mất thêm ít nhất là 26 ngày nữa mà còn nín thở lo sợ khi đây là tuyến đường có tỉ lệ cướp biển cao nhất trên thế giới.