Hàng trăm nghìn thủy thủ rơi vào thảm cảnh vì dịch bệnh Covid-19(Thứ năm, 29/07/2021 10:01 GMT+7)
Ông Singh đau lòng nói: “Có lẽ, chúng tôi đã bị bỏ quên và bị coi thường. Không ai biết nhờ đâu mà các siêu thị lớn đầy ắp hàng hoá”.
“Tôi đã nhìn thấy một người đàn ông trưởng thành… bật khóc”. Đây là chia sẻ chân thành của ông Tejinder Singh, một thuyền trưởng tàu container chưa được đặt chân lên mặt đất trong 7 tháng qua khi mô tả về thảm cảnh và những bất cập mà hơn 100.000 thủy thủ đang phải chịu đựng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Các tàu chở hàng chờ bên ngoài cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ
“Bố ơi, bao giờ bố về?”
Thuyền trưởng Tejinder Singh và hầu hết trong số 20 thành viên thuỷ thủ đoàn đã lênh đênh trên biển, đưa tàu vận tải đi khắp đại dương từ Ấn Độ đến Mỹ và tới Trung Quốc. Tại đây, vì khu vực cảng đông đúc, tắc nghẽn do ảnh hưởng của dịch bệnh, họ bị kẹt ngoài khơi suốt nhiều tuần rồi mới đến lượt dỡ hàng.
Ông Singh đau lòng nói: “Có lẽ, chúng tôi đã bị bỏ quên và bị coi thường. Không ai biết nhờ đâu mà các siêu thị lớn đầy ắp hàng hoá”.
Theo Phòng Tàu biển Quốc tế (ICS), có khoảng 100.000 người đi tàu đã và đang chịu chung số phận, rong ruổi trên tàu quá thời gian đi biển thông thường khoảng 3-9 tháng. Trong số đó, nhiều người chưa có một ngày được đặt chân lên đất liền. Đối nghịch, khoảng 100.000 người bị kẹt trên bờ, không thể lên tàu để tiếp tục hành trình, kiếm sống.
Khi nghĩ về thời điểm có thể quay trở lại bờ, vị thuyền trưởng lái tàu hàng chuyên nghiệp thở dài. Chuyến tàu gần đây nhất của ông đã kéo dài tới 11 tháng. Theo ông, cả đoàn thuỷ thủ người Ấn Độ và Philippines trên tàu gần như dành cả thời gian loanh quanh trong các cabin rộng 4,5 x 1,8m.
“Việc phải đi biển dài ngày thực sự khó khăn”, ông Sighn kể và đau xót tiết lộ đã nghe thấy nhiều chuyện thuỷ thủ tự kết liễu đời mình trên những con tàu khác.
“Mỗi khi con hỏi: “Bố ơi, khi nào bố về?”, tôi cảm thấy đây như là câu hỏi khó nhất vì không biết trả lời ra sao”, vị thuyền trưởng nói trong xúc động.
Lý do dẫn đến tình trạng này là vì biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành tại châu Á, khu vực có số lượng người đi biển chiếm đa phần trong tổng số 1,7 triệu thuỷ thủ thương mại trên toàn cầu.
Đáng chú ý, ông Guy Platten, Tổng thư ký ICS, đơn vị đại diện cho hơn 80% tàu biển thương mại trên thế giới cho biết, hai nước Ấn Độ và Philippines đang ảnh hưởng mạnh vì làn sóng dịch Covid-19 mới, lại chính là những nơi có số thuỷ thủ thương mại chiếm hơn 1/3 toàn cầu.
Để ngăn chặn dịch bệnh, nhiều nước đã phải hạn chế cảng biển, không cho phép thuỷ thủ đoàn cập bến, một số quốc gia còn hạn chế cả với trường hợp khẩn cấp về y tế, để giảm nguy cơ lây nhiễm. Trong khi đó, chỉ có 2,5% trong tổng số người đi tàu biển được tiêm phòng, theo ICS.
Rất nhiều quốc gia lớn trong ngành hàng hải tại châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, đảo Đài Loan đã áp dụng nhiều quy định như bắt buộc thuỷ thủ đoàn xét nghiệm khi xuất phát hoặc đến một số quốc gia nhất định, cấm thay đổi thuỷ thủ đoàn…
Cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt
Các thuỷ thủ nhìn về phía bờ, chờ ngày được trở về đất liền
Bình thường, mỗi tháng sẽ có trung bình 50.000 thuỷ thủ lên các tàu thay thế luân phiên 50.000 người khác nên người đi biển có thời gian nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, chuẩn bị tâm lý cho chuyến đi dài ngày khác.
Nhưng, hiện tại, dù chưa có số liệu chính xác nhưng tỉ lệ luân phiên thuỷ thủ đoàn chỉ bằng một phần nhỏ trong số đó.
“Nghịch lý đó là bởi trong khi hàng nghìn người khẩn thiết muốn về nhà vì đã hoàn thành xong hành trình, hàng nghìn người khác trên bờ lại không thể lên tàu để kiếm sống”, ông Rajesh Unni, Giám đốc điều hành Tập đoàn Synergy Marine, đơn vị quản lý tàu hàng đầu, chịu trách nhiệm với 14.000 thuỷ thủ cho biết.
Vì gặp quá nhiều khó khăn nên gần một nửa thuỷ thủ muốn nghỉ việc hoặc lăn tăn không biết nên ở hay đi, theo khảo sát từ Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF) hồi tháng 3.
Nếu tình trạng rạn nứt, bỏ việc trong lực lượng lao động tàu thuỷ lan rộng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, đe dọa sự toàn vẹn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc thiếu nhân lực kết hợp với tình trạng thiếu tàu chở hàng hoá tiêu dùng và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên khắp thế giới sẽ ảnh hưởng mạnh tới ngành bán lẻ. Hiện nay, giá cước vận tải đã tăng kỷ lục, đẩy giá hàng hoá lên cao. Nếu còn tiếp diễn, không ai khác, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt.
Đánh giá mức độ khủng hoảng hiện nay, ông Esben Poulsson, Chủ tịch Hội đồng quản trị ICS nhấn mạnh: “50 năm hoạt động trong ngành hàng hải, chưa bao giờ cuộc khủng hoảng thuỷ thủ lại có tác động lớn đến như vậy”.
“Hầu hết người đi biển đều đến từ các nước đang phát triển và chính những nơi này cũng đang chật vật để đảm bảo nguồn cung vaccine nên nhân viên ngành hàng hải không được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm phòng”, ông Poulsson nói thêm.
Theo ông David Hammond, Giám đốc điều hành Tổ chức từ thiện vì nhân quyền trên biển, hiện có 55 nước thành viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã xếp loại người đi biển vào nhóm “công nhân có nhiệm vụ thiết yếu”. Đồng nghĩa, họ có thể đi lại, quay trở về nhà dễ dàng và dễ tiếp cận vaccine hơn.
Trong tương lai, ông Hammond kêu gọi các nước khác cũng nên có động thái tương tự để hạn chế những thảm kịch đối với người đi biển.
Liên hợp quốc đánh giá tình hình lúc này là khủng hoảng nhân đạo trên biển và kêu gọi các chính phủ nên xếp người đi biển vào lao động thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh. Vì tàu biển vận tải khoảng 90% hàng hoá trên toàn cầu nên nếu cuộc khủng hoảng này sâu rộng sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn với chuỗi cung ứng quan trọng mà chúng ta đang phụ thuộc hàng ngày từ dầu mỏ đến sắt thép, thực phẩm và đồ điện tử.