Tắc nghẽn chuỗi cung ứng đe dọa lớn cho mùa mua sắm cuối năm(Thứ sáu, 27/08/2021 11:17 GMT+7)

Mạng lưới rộng lớn kết nối các cảng, tàu container và các công ty vận tải hàng hóa đường bộ trên khắp thế giới đang rối loạn nghiêm trọng, trong khi chi phí vận chuyển tăng chóng mặt. Đó là tin tức đáng lo ngại đối với các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trong dịp lễ mua sắm cuối năm sắp tới.


Ảnh minh họa

Hơn 18 tháng sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tồi tệ hơn. Tình hình đáng lo ngại đó đã dẫn đến việc thiếu hụt nhiều sản phẩm tiêu dùng và khiến chi phí cho các công ty vận chuyển hàng hóa đắt đỏ hơn. Những khó khăn chưa được giải quyết và sự xuất hiện của các vấn đề mới, bao gồm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, đồng nghĩa là người tiêu dùng có khả năng phải chịu mức giá bán cao hơn và ít lựa chọn hơn trong mùa lễ này. Các công ty như Adidas, Crocs và Hasbro đã cảnh báo về tình trạng gián đoạn khi họ chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm vốn rất quan trọng cho hoạt động kinh doanh.

Ông Bob Biesterfeld, Giám đốc điều hành của C.H. Robinson, một trong những công ty logistics lớn nhất thế giới cho hay sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể sớm dịu bớt. Báo cáo hồi giữa tháng 8 của dịch vụ nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence Panjiva cho hay trong khi việc mở cửa trở lại một phần cảng Diêm Điền chỉ mất vài ngày, sẽ phải mất gần một tháng cảng này mới hoạt động trở lại bình thường khi tình trạng tắc nghẽn đã tràn sang các cảng khác. Tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra với cảng Ninh Ba. Điều đó gây khó khăn cho các nhà bán lẻ và các công ty hàng tiêu dùng đang cố gắng bổ sung kho hàng để bước vào mùa mua sắm cuối năm quan trọng, thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Drewry Shipping hôm 20/8 cho biết tình trạng tắc nghẽn tại các cảng gần khu vực Thượng Hải và Hong Kong đang “tăng đột biến” và lan rộng ra các nơi khác ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, đặc biệt là khu vực bờ Tây của nước Mỹ.

Một báo cáo hôm 19/8 của Sở giao dịch hàng hải Nam California cho biết 36 tàu container đang neo đậu ngoài khơi các cảng liền kề của Los Angeles và Long Beach. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2, khi 40 tàu container phải neo đậu chờ nhập cảng. Thông thường, sẽ chỉ có một hoặc không có tàu container nào phải chờ như vậy. Không chỉ các cảng biển chịu áp lực. Các cảng hàng không đang tiếp nhận lượng hàng hóa ngày càng lớn do các công ty chuyển sang lựa chọn không vận để chuyển hàng hóa của họ. Theo CEO Biesterfeld của C.H. Robinson, tại một số sân bay lớn của Mỹ như Chicago, thời gian trì hoãn để ký nhận hàng hóa có thể lên đến hai tuần.

Tình trạng thiếu container dai dẳng, việc các nhà máy phải ngừng hoạt động do dịch COVID-19 bùng phát tại khu vực Đông Nam Á và những ảnh hưởng sót lại từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez hồi tháng 3 cũng khiến tình hình chuỗi cung ứng tệ hơn. Giữa bối cảnh đó, các công ty vận tải biển nhận định chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục chịu áp lực trong giai đoạn tới. Điều đó sẽ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và có thể gây thêm áp lực lên giá tiêu dùng.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn về vận tải Drewry Shipping có trụ sở tại London (Anh), chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Bắc Mỹ và châu Âu đã tiếp tục đi lên trong vài tháng qua, sau khi tăng đột biến hồi đầu năm. Chỉ số Container Toàn cầu của công ty cho thấy tổng chi phí để vận chuyển một container 40 feet trên 8 tuyến đường Đông - Tây chính đã lên tới 9.613 USD trong tuần tính đến ngày 19/8, tăng 360% so với cùng kỳ một năm trước. Mức tăng giá lớn nhất là dọc theo tuyến đường từ Thượng Hải đến Rotterdam ở Hà Lan, với giá một container 40 feet tăng 659% lên 13.698 USD. Giá vận chuyển container trên các tuyến từ Thượng Hải đến Los Angeles và New York (Mỹ) cũng tăng vọt. Giám đốc điều hành (CEO) của công ty vận tải biển Hapag-Lloyd, ông Rolf Habben Jansen nhận định tình hình thị trường sẽ chỉ bớt căng thẳng sớm nhất vào quý I/2022.

Việc tồn đọng hàng hóa tại các cảng sẽ ảnh hưởng đến các kho hàng vốn đã chật cứng, đồng thời ảnh hưởng tới năng lực vận chuyển của đường bộ và đường sắt. Các mạng lưới logistics đã hoạt động hết công suất trong nhiều tháng, trong khi tình trạng thiếu tài xế xe tải ở Mỹ và Vương quốc Anh chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn nguồn cung. Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng đang sử dụng những biện pháp quyết liệt để đáp ứng nhu cầu - chẳng hạn như thay đổi nơi sản xuất sản phẩm và di chuyển chúng bằng máy bay thay vì tàu biển.

Song vẫn có các công ty như nhà sản xuất giày Steve Madden cho biết doanh số bán của họ đã chịu ảnh hưởng vì đơn giản là không có đủ hàng. CEO của Adidas, ông Kasper Rorsted cho biết công ty sản xuất đồ thể thao này sẽ không thể đáp ứng đầy đủ “nhu cầu mạnh mẽ” trong nửa cuối năm do việc các nhà máy phải ngừng hoạt động để chống dịch ở Việt Nam, mặc dù Adidas đã chuyển một phần sản xuất sang các khu vực khác. Trong một cuộc họp gần đây, ông nhấn mạnh những khó khăn trong chuỗi cung ứng đã dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong hoạt động giao hàng và chi phí bổ sung tăng cao, đặc biệt khi Adidas đang tận dụng nhiều hơn vận tải bằng đường hàng không. Đối với người tiêu dùng, sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng có thể đồng nghĩa với việc giá cả sẽ cao hơn. Ví dụ, nhà sản xuất đồ chơi Hasbro đang tăng giá để bù đắp chi phí vận chuyển và hàng hóa tăng.

Theo ước tính của Hasbro, chi phí vận tải đường biển của công ty dự kiến sẽ cao hơn năm ngoái trung bình khoảng 4 lần. Người mua hàng cũng nên kiên nhẫn khi thời gian giao hàng sẽ lâu hơn bình thường. Ông Biesterfeld cho biết nếu người tiêu dùng lựa chọn mua hầu hết các quà trên nền tảng thương mại điện tử, họ cần đặt hàng sớm vì thời gian giao hàng có thể kéo dài từ bốn đến sáu tuần.

Nguồn: Báo Nam Định