Ai Cập xây "kênh đào Suez trên đường sắt"(Thứ hai, 20/09/2021 10:47 GMT+7)
Ai Cập đang thực hiện siêu dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của nước này, xuyên qua sa mạc để kết nối các đô thị với nhau.
Tuyến tàu điện cao tốc dài 660 km sẽ kết nối nhiều thành phố ở Ai Cập
Công ty cung cấp các giải pháp vận tải hàng đầu Siemens Mobility của Đức đã ký hợp đồng với Cơ quan quản lý đường hầm quốc gia (NAT) của Ai Cập vào đầu tháng 9 để xây dựng tuyến tàu điện cao tốc dài 660 km đầu tiên trong mạng lưới 1.800 km theo kế hoạch. Tuyến đường sắt này được nhà thầu Siemens gọi là "kênh đào Suez trên đường ray”.
Tuyến đường sắt 660 km này sẽ kết nối cảng Ain Sokhna ở biển Đỏ và các cảng Alexandria và Marsa Matrouh tại Địa Trung Hải, theo Reuters. Tuyến đường sắt gồm một đường ray chính để chở hơn 30 triệu hành khách mỗi năm cùng một đường ra để chở hàng hóa.
Công ty Siemens cho biết tổng hợp đồng này trị giá khoảng 4,5 tỉ USD. Các đoàn tàu sẽ được chuyển giao từ cuối năm 2023 và sẽ hoàn tất vào năm 2027.
Kinh phí xây dựng tuyến đường sắt lên đến 4,5 tỉ USD
Với việc dân số Ai Cập tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1980, việc xây dựng tuyến đường sắt này nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị ở Ai Cập. Đồng thời, giới chức Ai Cập còn hy vọng tuyến tàu cao tốc sẽ giúp thúc đẩy du lịch.
CNN dẫn lời ông Michael Peter, Giám đốc điều hành của Siemens Mobility cho biết: “Chuyến tàu này sẽ cắt giảm thời gian di chuyển và sẽ làm cho đường sắt trở thành lựa chọn đi lại hiệu quả nhất”.
Theo Siemens, tuyến tàu điện cao tốc này có thể cắt giảm thời gian di chuyển tới 50%, đồng thời tăng 15% năng lực vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, tuyến đường sắt này sẽ cắt giảm 70% lượng khí thải carbon so với lượng khí thải hiện tại từ hoạt động vận tải bằng ô tô và xe buýt.
NAT và Siemens cũng đồng ý thảo luận về việc xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc khác ở Ai Cập. Trong đó, một tuyến chạy từ vùng đô thị Cairo đến thành phố Aswan ở phía nam và tuyến còn lại nối thành phố Luxor bên bờ sông Nile với thành phố Hurghada và Safaga trên biển Đỏ.