Rồng châu Á Singapore và chìa khóa hạ tầng cảng biển(Thứ sáu, 18/02/2022 17:42 GMT+7)
Tính đến nay, Singapore đã trở thành một trong số ít cảng trên thế giới có thể tiếp nhận các tàu khổng lồ.
Là đất nước khan hiếm tài nguyên, Singapore phải nhập khẩu gần như tất cả mọi thứ. Từng được ví như một “làng chài nhỏ” bởi sự nghèo nàn, Singapore từ lâu đã vươn lên trở thành con rồng châu Á.
Có rất nhiều yếu tố làm nên thành công này, trong đó cảng biển được đánh giá là một thành tố quan trọng nhất.
Ngành hàng hải chiếm 7% GDP của Singapore (GDP - 340 tỷ USD) và tạo 170.000 việc làm
5 năm liên tiếp là “Thành phố hàng hải hàng đầu”
Trang tin Ship Technology dẫn thông tin từ Cơ quan Cảng và Hàng hải Singapore (MPA) cho biết: Tính đến năm 2019, trung bình, ngành hàng hải chiếm 7% GDP của Singapore (GDP - 340 tỷ USD) và tạo 170.000 việc làm.
Năm 2021, bất chấp tình hình dịch bệnh và có lúc Singapore áp dụng quy định phòng dịch nghiêm ngặt nhưng quốc đảo này vẫn tiếp tục được chọn là cảng trung chuyển container bận rộn nhất thế giới.
Công suất container đi qua Singapore đã tăng kỷ lục lên 37,5 triệu TEU (mỗi TEU = 1 container có chiều dài 20 feet). Khoảng 80% container đến Singapore được chuyển tải qua tàu để đến các cảng khác.
Bên cạnh đó, dù trong năm 2021, thế giới chứng kiến tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu nhưng Singapore vẫn xử lý tổng cộng 599 triệu tấn hàng hóa, cao hơn so với năm 2020.
Đồng thời, quốc đảo sư tử giữ vững vị trí là cảng đón tàu chở dầu hàng đầu khi số lượng nhiên liệu thông thường và khí đốt tự nhiên hóa lỏng đi qua cảng này là khoảng 50 triệu tấn.
Quốc đảo Singapore còn nhận được một loạt giải thưởng về hiệu quả hoạt động trong năm 2021, như được vinh danh là “Thành phố hàng hải hàng đầu thế giới” 5 năm liên tiếp do tổ chức xếp hạng DNV (Na Uy) và công ty tư vấn Menon Economics AS (Na Uy) đánh giá.
Tận dụng vị trí đắc địa
Thành công này có được một phần là vì Singapore có vị trí đắc địa, nằm ở phía Nam của bán đảo Malay, cách 30km về phía Tây Nam cảng Johor của Malaysia, cung cấp kết nối tới hơn 600 cảng ở 123 quốc gia.
Trang Hellenic Shipping News dẫn lời Phó Giáo sư Peter Borschberg đang công tác tại Khoa lịch sử, Đại học Quốc gia Singapore giải thích, quốc đảo sư tử nằm ở vị trí giao nhau giữa Đông Á và Tây Á, dọc theo Eo biển Malacca.
Vị trí then chốt của Singapore đã thu hút sự chú ý của đế quốc Anh. Từ thế kỷ 19, trong lúc nhăm nhe tìm bến cảng trong khu vực để neo đậu tàu buôn, người Anh đã phát hiện ra Singapore và lập tức thương thảo hiệp ước để xây dựng Singapore thành một trung tâm thương mại.
Thành phố này nhanh chóng phát triển thành một trung tâm thương mại xuất nhập khẩu, thu hút dân di cư từ Trung Quốc, Ấn Độ, Quần đảo Mã Lai và các vùng xa hơn nữa. Từ đây, Singapore trở thành cảng mậu dịch tự do nhộn nhịp trong suốt thế kỷ 19 và phần lớn thế kỷ 20.
Song, phải đến thời container phát triển và dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore mới đạt bước ngoặt trong lịch sử hàng hải.
Năm 1972, Singapore đã xây dựng thành công cảng container đầu tiên của đất nước và của cả khu vực Đông Nam Á.
Lúc đó, Singapore cử 225 người đi đào tạo đặc biệt, một số nhân sự chuyên vận hành các cần cẩu khổng lồ, số khác phục vụ tại cảng container mới. Từ đó tới nay, nơi đây chưa bao giờ ngừng phát triển. Năm 2000, Singapore đón 15 nhóm tàu đi qua và tới năm 2014, con số này tăng lên 130.
Tuy sở hữu vị trí địa lý thuận lợi nhưng để có thể tận dụng và nâng tầm vị thế cảng biển, phải nhắc tới chủ trương luôn đi tiên phong, hiện đại hóa và đầu tư mạnh tay vào hạ tầng cảng của Singapore.
Các trang thiết bị của cảng cho phép xử lý số lượng lớn container và hàng hóa bao gồm hàng đóng kiện và hàng rời.
Cảng Singapore có nhiều bến cảng được sử dụng cho các mục đích khác nhau từ bến cảng thường đến các bến chuyên dụng phục vụ bốc xếp hàng hóa lỏng.
Cảng cũng có một bến xe chuyên dụng và là một trong các trung tâm chuyển tải ô tô lớn trong khu vực.
Ngoài ra cảng Singapore còn cung cấp các dịch vụ phụ trợ khác như nước, lương thực thực phẩm, hoa tiêu và các dịch vụ lai dắt tàu.
Tính đến nay, Singapore đã trở thành một trong số ít cảng trên thế giới có thể tiếp nhận các tàu khổng lồ.
Siêu cảng container Tuas
Năm 2021 vừa qua cũng là dấu mốc phát triển vượt bậc khác của cảng Singapore với sự ra mắt của siêu cảng container Tuas.
Quá trình xây dựng dự án này được chia thành 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (xây dựng 2 cầu cảng đón khoảng 20 triệu TEU) vừa hoàn thành vào cuối năm 2021 với chi phí 1,76 tỷ USD.
Dự kiến tới năm 2040, Singapore mới hoàn tất toàn bộ siêu cảng. Khi đó, Tuas sẽ trở thành cảng đón tàu container lớn nhất thế giới với tổng công suất lên tới 65 triệu TEU, cao hơn so với tổng công suất 50 triệu TEU của cả 5 nhà ga container hiện có.
Đặc biệt, Singapore xác định Tuas phải trang bị công nghệ bền vững, thân thiện môi trường vì đây là ngành công nghiệp chủ lực mang tính chất sống còn của Singapore.
Đồng thời, những công nghệ sáng tạo như xe không người lái, máy bay không người lái, phân tích dữ liệu, xe tải không người lái kết hợp với nền tảng số nhằm giảm thủ tục và hạn chế tắc nghẽn… cũng sẽ được áp dụng.
Năm 2022, Singapore tiếp tục cấp phép cho Cơ quan Quản lý Cảng và Hàng hải Singapore thực hiện 8 dự án, tổng trị giá 2,2 triệu USD với sự tham gia của 35 công ty để tăng cường phát triển các sản phẩm, giải pháp kỹ thuật số cho lĩnh vực phục vụ tàu chở dầu.
Theo một bài phân tích về sự phát triển cảng biển của Singapore được đăng trên trang web trường Đại học Civil Service College, Singapore đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất châu Á và một phần lớn nguyên nhân đó là việc quốc đảo xuất hiện với vị trí như một trung tâm hậu cần có hiệu suất cao nhất trong khu vực 2 - 3 năm trở lại đây.
Thành tựu của Singapore không đến một cách tình cờ. Chúng là kết quả của sự kết hợp giữa chính sách công với nhiều ưu đãi, phát triển quan hệ thương mại quy mô quốc tế và sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân. Bài học kinh nghiệm này có thể giúp cho bất kỳ quốc gia đang phát triển nào đang tìm cách cải thiện mạng lưới hậu cần của mình.