Philippines hủy 3 dự án đường sắt với đối tác Trung Quốc(Thứ ba, 02/08/2022 16:06 GMT+7)

Chính phủ Philippines tiền nhiệm tìm kiếm sự ủng hộ từ Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc cho chương trình hạ tầng nước này.


Tuy nhiên, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Philippines Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. đi vào hoạt động, Bộ Giao thông Philippines (DOTr) đã thông báo hủy bỏ 3 dự án đường sắt lớn với các đối tác Trung Quốc, vốn được khởi xướng dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.

Trung Quốc không thực hiện các yêu cầu cấp vốn

Trong đó, 3 dự án đường sắt quốc gia phía Nam PNR, trị giá 142 tỷ peso (2,5 tỷ USD); dự án Mindanao MRP đoạn Tagum – Davao - Digos trị giá 83 tỷ peso và dự án đường sắt Subic - Clark trị giá 51 tỷ peso, đều từng được trao cho các đối tác Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến nay phía Bắc Kinh liên tục không thực hiện các yêu cầu cấp vốn, trong khi các dự án này chủ yếu dựa vào kỹ thuật, thiết bị, lao động và thiết kế của Trung Quốc.

Tân Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr.
vẫn muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc nhưng thận trọng hơn

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Philippines Cesar Chavez, Bắc Kinh đã không thực hiện theo các yêu cầu cấp vốn mà chính phủ ông Duterte nhiều lần đưa ra. Trong một bài phát biểu công khai gần đây, ông Cesar Chavez cho biết: “Nói tóm lại, Trung Quốc đã nuốt lời”.

Nhìn lại tiến trình hợp tác, có thể thấy quá trình đàm phán về các dự án cơ sở hạ tầng lớn do Trung Quốc đầu tư đã được khởi động từ năm 2018 và sau đó đã được Cơ quan phát triển kinh tế quốc gia Philippines (NEDA) phê duyệt.

Phần lớn nguồn tài chính cho các dự án này là dựa trên các khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ Trung Quốc, hứa hẹn lên tới 24 tỷ USD mà hai nước đã thoả thuận trong chuyến thăm của ông Duterte tới Bắc Kinh vào năm 2016.

Trong số 27 thỏa thuận được ký kết giữa Trung Quốc và Philippines trong chuyến thăm đó, Trung Quốc ban đầu đồng ý cung cấp 9 tỷ USD khoản vay ưu đãi và 15 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ các công ty Trung Quốc trong các dự án đường sắt, cảng, năng lượng và khai thác mỏ.

Tuy nhiên, không nhiều khoản vay được giải ngân. Theo Bộ Công trình Công cộng và Đường cao tốc Philippines (DPWH), cho đến nay, chính quyền cũ chỉ hoàn thành 12 trong số 119 dự án theo sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng “Xây dựng, Xây dựng và Xây dựng” (BBB).

Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Benjamin Diokno, người từng là Giám đốc ngân hàng trung ương dưới thời ông Duterte thừa nhận: “Có rất nhiều lời hứa nhưng không nhiều điều được thực hiện».

Trong khi đó, chính quyền của ông Marcos cũng từng nêu lên những lo ngại về việc Trung Quốc đề nghị mức lãi suất cao lên tới 3%, cao hơn nhiều so với mức 0,01% của Nhật Bản đối với các dự án cơ sở hạ tầng dựa trên vốn ODA.

Thậm chí, cựu Bộ trưởng Tài chính Philippines Sonny Dominguez đã công khai cảnh báo chính quyền mới không nên ký hợp đồng với các khoản vay của Trung Quốc để tránh rơi vào tình trạng “sập bẫy nợ”.

Lập trường của tân lãnh đạo Philippines

Nhìn lại lịch sử, nhà Marcos, lãnh chúa của tỉnh Ilocos Nortep phía tây bắc đã duy trì các mối quan hệ ngoại giao thân thiện và hiệu quả về mặt thương mại với Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ.

Cựu quân nhân Philippines Ferdinand Marcos (1965-1986), cha của ông Marcos Jr, cũng là một trong những đồng minh đầu tiên của Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc vào giữa những năm 1970.

Đầu năm nay, Đại sứ Trung Quốc tại Manila Huang Xilian đã dành nhiều từ hoa mỹ về quỹ đạo tích cực của quan hệ song phương trong những năm gần đây, nhấn mạnh rằng khi “các dự án hợp tác (song phương) và các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Philippines (sắp) thành hiện thực, sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích hơn cho người dân của cả hai quốc gia.

Năm 2020, thương mại song phương đạt 61,2 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines. Đầu tư phi tài chính trực tiếp của Trung Quốc vào Philippines cũng đạt 140 triệu USD trong cùng năm.

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Marcos Jr đã đáp lại phần lớn sự lạc quan của Bắc Kinh bằng cách nói rằng Trung Quốc là “đối tác mạnh mẽ nhất” của Philippines và mối quan hệ với Bắc Kinh cũng rất quan trọng để duy trì “sự ổn định của đà phục hồi kinh tế” giữa đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Marcos Jr cũng có lập trường cứng rắn hơn về các tranh chấp chủ quyền và theo đuổi cách tiếp cận cân bằng hơn với các cường quốc lớn. Qua đó, có thể hiểu là chính quyền ông Marcos Jr vẫn muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc nhưng thận trọng hơn và không đánh đổi tuyên bố chủ quyền biển đảo lấy hợp tác về kinh tế, đầu tư.

Các lựa chọn thay thế Trung Quốc

Trong giai đoạn từ năm 2023 - 2028, chính quyền của ông Marcos đang đặt mục tiêu duy trì chi tiêu cho cơ sở hạ tầng khoảng 5-6% GDP.

Trong khi đó, với mức nợ năm 2021 đã lên cao nhất trong 16 năm qua và thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng, chính quyền của ông Marcos đang rất cần nguồn tài chính từ bên ngoài cho mục tiêu cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của mình.

Vì vậy, dù không tiếp tục đi cùng các đối tác Trung Quốc trong 3 dự án đường sắt quan trọng, chính quyền Philippines vẫn tiếp tục có ý định khởi động lại những kế hoạch này và tìm hướng đầu tư mới.

Ông Cesar Chavez cho biết, nội các Philippines đã thảo luận chính sách về việc tiếp tục ba dự án đường sắt ODA nói trên trong cuộc họp ngày 12/7. Trong đó, ông Marcos Jr nhận xét: “Về mặt chính sách, chúng tôi nên khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào đường sắt và nên tập trung nhiều hơn vào vận tải đường sắt”.

Hiện tại, chính quyền ông Marcos đang tìm kiếm thêm các lựa chọn thay thế, trong đó có các đối tác truyền thống như Nhật Bản và các nguồn tài chính tư nhân. Đặc biệt, chính phủ mới của Philippines đang xem xét các phương án hợp tác công tư (PPP) cho dự án Đường sắt Subic - Clark và đường sắt Mindanao giai đoạn 1, các tuyến đường đều trị giá hàng tỷ USD.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục Sáng kiến BBB. Vì vậy, chúng tôi sẽ xem xét tất cả các nguồn tài trợ có thể có.

Mối quan tâm trước mắt của chúng tôi là mở rộng và cập nhật danh sách các dự án đầu tư có thể triển khai theo hình thức PPP, phản ứng tích cực với khu vực tư nhân và đáp ứng nhu cầu của đất nước chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế kiêm Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển kinh tế quốc gia (NEDA) Arsenio Balisacan cho biết.

Theo Asia Times, chính quyền Tổng thống Philippines tiền nhiệm Rodrigo Duterte (2016-2022) trên thực tế không thu hút được khoản đầu tư đáng kể nào của Trung Quốc.

Thay vì một “cái bẫy nợ” như dư luận vẫn nói về các khoản đầu tư của Trung Quốc, Philippines đã bị mắc kẹt trong “cái bẫy cam kết” của Trung Quốc khi chỉ nhận được những lời hứa suông.

Nguồn: Báo Giao thông