Hàn Quốc tức tốc giám sát tàu điện ngầm, lo tái diễn thảm kịch Itaewon(Thứ bẩy, 05/11/2022 18:00 GMT+7)
Hàn Quốc đang tăng cường giám sát các nhà ga tàu điện ngầm đông đúc sau thảm kịch Halloween chết người.
Tăng cường lực lượng cảnh sát, kiểm soát các tàu điện, nhà ga đông đúc
Ngày 4/11, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho rằng, những tình huống chen lấn đông đúc, gây nguy hiểm tới tính mạng người dân tương tự như thảm kịch xảy ra trên phố Itaewon, đêm Halloween có thể xảy ra trên tàu điện ngầm trong giờ cao điểm.
Vì vậy, ông Han kêu gọi cảnh sát có phản ứng phù hợp để ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự do quá đông đúc xảy ra.
Bắt đầu từ ngày hôm nay, cảnh sát sẽ được triển khai tới các nhà ga tàu điện tại thủ đô Seoul để cùng với giới chức nhà ga kiểm soát hoạt động của đám đông – Thủ tướng Hàn Quốc nói.
Tình trạng đông đúc tại nhà ga Seoul trên tuyến tàu điện ngầm số 1 trong giờ cao điểm một ngày tháng 10. Ảnh - Yonhap
Trong thảm kịch chen lấn đêm Halloween khiến hơn 150 người thiệt mạng, Người đứng đầu Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee-keun thừa nhận công tác kiểm soát đám đông trước vụ tai nạn là “chưa đủ”, nhắc lại chi tiết cảnh sát đã nhận được rất nhiều tin báo về vụ tai nạn nhưng lại không kịp thời điều động lực lượng để kiểm soát sớm.
Các chuyên gia cho rằng, nếu giới chức địa phương kiểm soát đám đông và giao thông kịp thời, phù hợp thì đã có thể ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm thiểu số lượng người dân đổ dồn về con hẻm nhỏ trên phố Itaewon.
Tính đến ngày 4/11, thảm kịch Itaewon đã khiến 156 người thiệt mạng và 187 người khác bị thương, 33 người bị thương nghiêm trọng. Trong số những người thiệt mạng có 26 công dân nước ngoài từ 14 quốc gia trên thế giới tử nạn.
"Tôi cảm thấy không thở được!"
Theo dữ liệu do nhà cung cấp viễn thông Hàn Quốc - SKT về số lượng hành khách đi tàu điện ngầm Seoul, trong giờ cao điểm, tàu điện ngầm Seoul có lượng khách đông đúc và tắc nghẽn tương tự như ở hẻm Itaewon khi xảy ra thảm kịch.
Dữ liệu thống kê trong thời gian từ ngày 1/8 đến ngày 30/10 chỉ ra, vào tầm 6h30 chiều, tuyến tàu điện ngầm Seoul số 1 thường vận hành vượt công suất chở khách 252% khi tàu đi qua nhà ga Guro về phía nhà ga Guil. Với công suất mỗi toa là khoảng 160 người, như vậy trong giờ cao điểm, có tới 403 người chen chúc.
Hình ảnh hành khách ken kín trong nhà ga Khu phức hợp thể thao trên Tuyến số 9 trong hệ thống tàu điện ngầm Seoul. Ảnh - Yonhap
Tàu đi qua nhà ga Guro có mức hành khách ùn tắc cao nhất trong số các nhà ga tàu điện ngầm tại Seoul kể từ quý 1 năm nay.
Dựa trên diện tích một toa tàu điện ngầm của Seoul là khoảng 60,84m2, có thể tính ra, cứ 1m2 có 6,6 người chen chân.
Với khu vực hẻm trên phố Itaewon nơi xảy ra thảm kịch, diện tích là khoảng 180m2. Theo ước tính của cảnh sát, lúc xảy ra sự việc có khoảng 1.000-2.000 người tụ tập, đồng nghĩa có từ 5,6 đến 6,6 người trong 1m2.
Như vậy, tỉ lệ này tương đương như trên tàu điện ngầm Seoul trong giờ cao điểm.
Trước đó, theo báo Korea Times, thảm kịch tại Itaewon dường như đã ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của người dân Seoul. Nhiều người dân Hàn Quốc vốn đã quen với những tuyến đường đông đúc ở vùng đô thị nay bất ngờ trở nên lo sợ trước hiểm họa có thể xảy ra tại những khu vực tập trung đông người.
Chia sẻ với báo Koreatimes, một nữ nhân viên văn phòng họ Lee thường ngày vẫn đi chuyến tàu điện ngầm Seoul Metro Line 9 từ ga Dangsan tới ga Sinnonhyeon - nơi nổi tiếng là đông đúc, quá tải vào giờ cao điểm - nhưng trong chuyến đi ngày 31/10 vừa qua, cảnh tượng đông đúc khiến cô lo sợ đến mức cảm thấy khó thở và buộc phải xuống tàu giữa chừng.
Cô Lee cho biết: “Tôi cảm thấy không thể thở được. Đây không phải lần đầu tôi thấy ngạt thở khi đi chuyến tàu cao điểm buổi sáng nhưng lần này thì khác, tôi thấy nghiêm trọng hơn và dường như hoảng loạn”.
Nhớ lại khoảnh khắc khi hành khách liên tiếp đổ dồn lên toa tàu vốn đã rất đông, cô Lee liền tưởng tượng tới khung cảnh đám đông chen lấn, xô đẩy, đè lên nhau trong thảm kịch tại phố Itaewon hai ngày trước đó. “Dù tôi không có mặt tại Itaewon đêm đó, tôi vẫn cảm thấy điều kinh khủng có thể xảy ra trên tàu điện ngầm”, cô Lee chia sẻ.
Anh Hwang, 22 tuổi, thường xuyên đi tàu điện ngầm cũng cho biết: “Đôi khi, tôi bị nhiều người chèn ép đến mức cảm thấy như mình không cả chạm được chân xuống đất, “có lúc chật đến nỗi không còn không gian để đi ra”.