Tương lai u ám của xe điện Hàn Quốc tại Mỹ(Thứ năm, 06/10/2022 11:47 GMT+7)
Xe điện Hàn Quốc tại Mỹ đang đối mặt với một tương lai u ám sau khi chính quyền Mỹ công bố Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).
Thúc đẩy chuỗi cung ứng ở Mỹ
Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) là một trong những chiến thắng nội bộ lớn nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi được đưa ra để cứu vãn sáng kiến “Xây dựng trở lại tốt hơn” và cũng nhằm tập trung giải quyết các mối quan tâm lớn của nước này là lạm phát và biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của IRA là giảm khoảng 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030, so với năm 2005. Nếu thành công, đạo luật này sẽ là một bước đi quan trọng của Mỹ hướng tới mục tiêu toàn cầu là giảm lượng khí thải cần thiết vào năm 2050.
Minh họa Tổng thống Biden và kế hoạch mới đối với EV. Nguồn: Getty
Ðể có ngân sách cho kế hoạch này, IRA sẽ lấp các lỗ hổng về thuế, áp đặt mức thuế tối thiểu 15% doanh thu với các tập đoàn lớn, đồng thời cải tổ chính sách đối với một số lĩnh vực gây ra lạm phát.
Một trong những nội dung quan trọng là các khoản thuế hỗ trợ (ô tô điện) EV tại Mỹ. Cụ thể, IRA sẽ trợ cấp cho EV được lắp ráp tại Mỹ tối đa lên tới 7.500 USD/chiếc.
Từ năm 2023, sẽ có thêm các hạn chế bổ sung đối với ngành EV. EV không chỉ phải được sản xuất tại Mỹ mà pin EV cũng cần tuân thủ các yêu cầu mới về hàm lượng khoáng chất và các thành phần bên trong.
Để đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp 3.750 USD, 40% khoáng chất pin EV phải được khai thác hoặc sản xuất từ Mỹ hoặc các đối tác FTA của Mỹ.
Và để nhận được 3.750 USD trợ cấp còn lại, 50% thành phần sản xuất pin cũng cần đến từ Mỹ hoặc các đối tác FDA của Mỹ. Yêu cầu này sẽ tăng lên 80% vào năm 2027 và 100% vào năm 2029.
Tuy nhiên, vào năm 2025, các mẫu xe EV có thành phần hoặc các khoáng chất trong pin đến từ các tổ chức nước ngoài nằm trong diện quan ngại sẽ không còn đủ điều kiện để được hỗ trợ về thuế.
Các điều khoản này được xây dựng để giúp thúc đẩy chuỗi cung ứng ở Mỹ và giữa các đối tác FTA của Mỹ, vì Trung Quốc hiện là “ông lớn” trong việc khai thác và chế biến nhiều loại khoáng sản cần thiết để sản xuất pin EV. Điển hình, hơn 60% lượng lithium toàn cầu được sản xuất ở Trung Quốc.
Ngành ô tô Hàn Quốc chịu tác động lớn
Trong khi IRA mang lại lợi ích lớn cho ngành EV Mỹ thì đạo luật này cũng có tác động lớn tới các công ty Hàn Quốc, cả tích cực và tiêu cực.
Trong ngắn hạn, các công ty Hàn Quốc sẽ gặp bất lợi vì hiện tại, tất cả các xe ô tô điện mà Kia và Hyundai bán tại Mỹ đều được sản xuất ở nước ngoài, do đó không đủ điều kiện để được khấu trừ thuế.
Như vậy hai hãng sản xuất EV lớn nhất Hàn Quốc là Hyundai và Kia sẽ mất vị thế cạnh tranh trên thị trường Mỹ với quy định trong IRA.
Thêm vào đó, việc đáp ứng những yêu cầu về pin EV của Mỹ cũng là một thách thức lớn đối với tất cả các nhà sản xuất pin EV. Trong trường hợp của Hàn Quốc, hơn 80% lithium, coban và graphite nhập khẩu - ba khoáng chất quan trọng trong pin EV, đều từ Trung Quốc.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Trung Quốc sản xuất 85% cực dương và 70% cực âm của pin trên thế giới. Còn Hàn Quốc nhập khẩu 85% cực dương trong pin EV và nhập 73% cực âm từ Trung Quốc.
Còn về trung hạn, IRA có thể thực sự mang lại lợi ích cho các công ty Hàn Quốc khi họ đủ sức phát triển các chuỗi cung ứng mới. Tuy nhiên, triển vọng này khá mong manh khi việc tìm kiếm các nguồn khoáng chất pin EV mới rất khó khăn.
Điều khoản bất lợi với Hàn Quốc
Hyundai ký thỏa thuận xây dựng Nhà máy EV tại Georgia. Nguồn: Yonhap
Theo The Diplomat, trên thực tế, mối quan ngại của Hàn Quốc đối với IRA vượt ra ngoài các chi tiết của đạo luật này. Trước đó, Seoul đã thảo luận với chính quyền Biden về việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế Mỹ - Hàn, đặc biệt là về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, chất bán dẫn và về biến đổi khí hậu. Do đó, các công ty Hàn Quốc đã thực hiện một loạt các cam kết đầu tư quan trọng vào Mỹ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn 2021, Samsung đã công bố ý định đầu tư 17 tỷ USD vào một xưởng sản xuất mới ở Mỹ để giải quyết những lo ngại của Washington về chất bán dẫn. Tập đoàn SK Hynix cũng thông báo trong năm nay rằng họ sẽ đầu tư 15 tỷ USD tại Mỹ.
Bên cạnh đó, các công ty Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư hơn 13 tỷ USD vào Mỹ năm 2025 để thúc đẩy sản xuất pin EV.
Ngoài các khoản đầu tư này, đầu năm nay, Hyundai và Kia đã thông báo sẽ đầu tư 5,5 tỷ USD vào cơ sở sản xuất EV và pin EV chung ở Georgia. Nhà máy mới dự kiến có thể sản xuất 300.000 xe điện/ năm khi đi vào hoạt động vào năm 2025.
Các khoản đầu tư liên quan đến EV dự kiến sẽ tạo ra 35.400 việc làm, nhiều hơn so với các khoản đầu tư vào lĩnh vực xe điện của bất kỳ nước nào khác vào Mỹ.
Trong bối cảnh trên, các điều khoản bất lợi của IRA với Hàn Quốc không chỉ trực tiếp khiến các công ty phát triển EV Hàn Quốc gặp khó khăn tại thị trường Mỹ mà còn có thể tăng gấp nhiều lần khi Seoul đang trong quá trình tăng cường hợp tác kinh tế với Washington.
Những diễn biến này cũng trái với các điều khoản liên quan đến đối xử quốc gia trong Hiệp định tự do thương mại Mỹ - Hàn.
Chính vì vậy, Hàn Quốc cho rằng, các điều khoản về EV của IRA là hành động vi phạm các quy tắc thương mại, đồng thời đi ngược lại quan hệ đối tác kinh tế ngày càng sâu sắc giữa hai nước.
Không dễ dàng tìm giải pháp
Để tìm giải pháp, phía Hàn Quốc đã xác nhận, trên thực tế không hề dễ dàng để sửa đổi luật IRA trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Vì thế Seoul và Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp khác nhau để giảm bớt thiệt hại.
Đầu tháng 9/2022, Bộ trưởng Thương mại Ahn Duk-geun đã có chuyến công du Mỹ trong vòng 1 tuần để đàm phán với giới chức Mỹ về các điều khoản trợ cấp EV trong IRA.
Ông Ahn đề nghị phía Mỹ sửa đổi các điều khoản đồng thời tiếp tục tìm kiếm các biện pháp bổ sung khác trên phương diện liên ngành trong trường hợp quá trình sửa đổi luật kéo dài.
Sau đó, trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Thương mại Ahn Duk-geun và Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai tại Bali, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí nỗ lực chung để tìm kiếm các giải pháp liên quan Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ về vấn đề trợ cấp ôtô điện (EV).
Trước khi đạt được sự đồng thuận vào ngày 23/9, nhiều quan chức cấp cao Hàn Quốc đã tới Mỹ để nêu vấn đề này với Quốc hội và những người đồng cấp Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc cũng liên tiếp nhấn mạnh vấn đề này khi tiếp xúc với người đồng cấp Joe Biden bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và khi hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi bà có chuyến công du nước này vào cuối tháng 9.
Trong thời gian này, các công ty Hàn Quốc chưa thể làm gì ngoại trừ việc chờ đợi những nỗ lực của chính phủ.
Một quan chức Hàn Quốc cho rằng, động thái này của Mỹ có thể làm tổn hại các lĩnh vực hợp tác khác trong mối quan hệ song phương Mỹ - Hàn. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo còn nhận định đạo luật này có thể gây khó khăn cho các công ty Hàn Quốc trong việc thực hiện cam kết đầu tư của họ tại Mỹ.