Ấn Độ khánh thành giai đoạn đầu tuyến cao tốc dài nhất nước(Thứ tư, 15/02/2023 09:46 GMT+7)
Ấn Độ vừa khánh thành giai đoạn đầu tiên của tuyến đường cao tốc 13 tỷ USD nối thủ đô New Delhi tới trung tâm tài chính Mumbai.
Ngày 12/2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khánh thành chặng 246km đầu tiên của tuyến cao tốc 1.386km nối thủ đô New Delhi tới trung tâm tài chính Mumbai. Giai đoạn 1 của tuyến cao tốc nối Delhi với thành phố Lalsot - địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch tại bang Rajasthan, tây bắc Ấn Độ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Modi cho biết: “Tuyến cao tốc Delhi Mumbai là một trong những tuyến cao tốc hiện đại nhất thế giới, đại diện cho đất nước Ấn Độ đang phát triển”.
Thủ tướng Ấn Độ cho rằng đầu tư vào đường sắt, cao tốc, đường tàu điện ngầm, sân bay là chìa khóa để thúc đẩy tốc độ phát triển của đất nước, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm.
Tuyến cao tốc Delhi Mumbai đoạn qua bang Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh - AP
Trước đó, Chính phủ Ấn Độ cho biết đã đầu tư 13 tỷ USD vào dự án tuyến cao tốc Delhi Mumbai kết nối thủ đô New Delhi với các bang Haryana, Rajasthan, Madhya Pradesh, Gujarat và Maharashtra. Trong đó, riêng chặng đầu tiên của tuyến đường đã có chi phí xây dựng lên tới 1,4 tỷ USD.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến cao tốc dài nhất Ấn Độ, gồm 8 làn đường với 4 làn theo mỗi chiều. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ giúp giảm một nửa thời gian di chuyển giữa New Delhi và Mumbai như hiện tại xuống còn 12 giờ.
Theo hãng tin CNN, việc khánh thành giai đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc dài nhất đất nước là cột mốc quan trọng trong bối cảnh Ấn Độ đang đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để bắt kịp với đối thủ địa chính trị Trung Quốc.
Tuyến cao tốc Delhi Mumbai đoạn qua thành phố Gurugram, Ấn Độ.
Ảnh - Hindustan Times
Ấn Độ đang là nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và sẽ sớm trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng cơ sở hạ tầng của quốc gia này vẫn tụt hậu hơn so với nước láng giềng Trung Quốc, theo hãng tin AFP.
Ấn Độ sở hữu một trong những mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới với 1,3 triệu lao động trong ngành nhưng theo hãng tin AFP, hệ thống này đã lỗi thời và cần các khoản đầu tư lớn để nâng cấp đường ray, đầu máy, toa xe.
Trong khi đó, trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng. Hiện quốc gia này sở hữu hệ thống đường cao tốc, sân bay hiện đại và hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.
Trong nỗ lực bắt kịp với nước láng giềng, Ấn Độ đã xúc tiến nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn. Trong tháng này, Chính phủ Ấn Độ công bố mức tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng chưa từng có trong tiền lệ - tăng tới 33%. Ông Modi dự kiến sẽ phát lệnh khởi công hơn mười dự án tuyến đường sắt, cao tốc, cảng quy mô lớn trong những tháng tới.
Một trong những dự án đang được thực hiện nhằm phát triển mạng lưới đường sắt Ấn Độ là Western Dedicated Freight Corridor (tạm dịch: Hành lang Vận tải liên bang phía Tây Ấn Độ). Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ có chiều dài 1.506km, kết nối thành phố Dadri, bang Uttar Pradesh với thành phố Navi Mumbai, bang Maharashtra. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ giúp giảm tình trạng tắc nghẽn trong mạng lưới đường sắt Ấn Độ, tăng tốc độ trung bình của tàu chở hàng.
Phát biểu tại buổi lễ ngày 12/2, ông Modi cho rằng tuyến cao tốc Delhi-Mumbai và Hành lang Vận tải liên bang phía Tây sẽ là 2 cột trụ thúc đẩy sự phát triển của Ấn Độ.
“Chúng ta đang xây dựng đất nước Ấn Độ đầy năng lực và thịnh vượng”, ông Modi tin tưởng.