Cấm bán ô tô phát thải và cú “quay xe” của Đức(Thứ năm, 13/04/2023 16:28 GMT+7)

Vào phút chót, khi Liên minh châu Âu - EU chuẩn bị thông qua luật chấm dứt bán ô tô phát thải CO2 vào năm 2035, Đức tuyên bố phản đối. Từ đây cũng lộ diện mâu thuẫn giữa các nước trong khối EU.


Hoãn bỏ phiếu phê chuẩn lệnh cấm bán xe động cơ đốt trong

Ô tô chật như nêm trên đường Kaiserdamn, Thủ đô Berlin, Đức

Theo dự thảo của EU, tất cả ô tô mới bán ra từ năm 2035 sẽ không phát thải khí CO2.

Luật này không cấm các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (ICE) nhưng đó được coi là dấu chấm hết cho loại công nghệ này, vì rất ít lựa chọn nhiên liệu cho ô tô ICE hoạt động mà không phát thải khí CO2.

Đức và nhiều nước châu Âu khác trước đây từng ủng hộ dự luật này nhưng đã phản đối vào phút chót.

Khi chuẩn bị bước vào cuộc họp cuối cùng để thông qua, Thụy Điển, nước hiện đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU thông báo, các quốc gia thành viên vừa quyết định hoãn bỏ phiếu phê chuẩn lệnh cấm bán các loại xe động cơ đốt trong trên toàn EU vào năm 2035.

Từ đó, một trong những chính sách thay đổi khí hậu cốt lõi của châu Âu đã bị đình trệ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Đức Volker Wissing tuyên bố Đức hoài nghi về dự luật này. Ngoài ra, còn có Italy và nhiều nước như Cộng hòa Séc, Ba Lan đã bày tỏ quan ngại.

Tại Đức, ô tô là một trong những ngành sản xuất quan trọng, là phân khúc lớn nhất của nền kinh tế Đức, tạo việc làm cho khoảng 800.000 lao động và doanh thu lên tới 411 tỷ euro/năm. Do đó, không khó hiểu khi Đức muốn tạo thêm cơ hội cho ngành sản xuất ô tô cũng như các nhà sản xuất phụ tùng động cơ đốt trong.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing từng nói, Berlin sẽ không ủng hộ đề xuất cấm bán ô tô mới, sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035. Đức muốn EU mở cơ hội cho tất cả các lựa chọn công nghệ và tạo điều kiện cho nhiên liệu điện tử (e-fuel).

“Bản thân động cơ đốt trong không có lỗi, mà nhiên liệu hóa thạch mới là vấn đề cần giải quyết. Cần tạo cơ hội cho các công nghệ mới. Để giải quyết được điều này, chúng ta phải cởi mở với các giải pháp khác nhau”, ông Wissing nhấn mạnh.

Nhiên liệu điện tử có là cứu cánh?

E-fuel được sản xuất bởi công ty Đức Ineratec. Ảnh: Ineratec

Nhiên liệu điện tử (e-fuel) hay còn được gọi là e-kerosene, e-methane, hay e-methanol, được tạo ra bằng cách tổng hợp khí CO2 thu được và khí hydro H2 thu được từ các nguồn điện bền vững như năng lượng gió, mặt trời và hạt nhân để sản xuất thành nhiên liệu dùng cho các động cơ đốt trong.

Các loại nhiên liệu này vẫn thải khí CO2 nhưng lượng khí thải đó tương đương với lượng khí được thu lại để sản xuất nhiên liệu, vì vậy, tính chung là vẫn không phát thải.

Nhiều nhà phân tích cho rằng cả thế giới đã sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ rất lâu, và động cơ đốt trong đã trở nên rất phổ biến. Vì thế, tạo ra e-fuel để cho động cơ đốt trong vẫn hoạt động sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, hơn là thay thế động cơ đốt trong và toàn bộ cơ sở vật chất đi cùng.

Hiện tại, nhiên liệu điện tử chưa được sản xuất trên quy mô lớn. Nhà máy thương mại đầu tiên trên thế giới được mở ở Chile vào năm 2021và hướng tới sản xuất 550 triệu lít/năm.

Một số nhà máy khác đang được lên kế hoạch sản xuất bao gồm Norsk e-Fuel của Na Uy dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024, tập trung vào nhiên liệu hàng không.

Nhiên liệu điện tử có thể được sử dụng trong các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong và có thể vận chuyển qua các hệ thống logistics nhiên liệu đốt trong hiện tại.

Với các nhà sản xuất phụ tùng cho xe sử dụng động cơ đốt trong và các công ty vận tải diesel, xăng trên thế giới, đặc biệt ở Đức, đây là tin rất tốt.

Nhiều người cho rằng với nhiên liệu điện tử, hoàn toàn có thể cắt giảm lượng thải khí CO2 từ các phương tiện cá nhân trong khi không cần phải thay thế toàn bộ xe sang các phương tiện chạy bằng điện.

Một số nhà sản xuất phụ tùng tại Đức như Bosch, ZF và Mahle là thành viên của nhóm vận động sử dụng nhiên liệu điện tử mang tên eFuel Alliance.

Nhiều nhà sản xuất ô tô như Piech, Porsche và Mazda cũng ủng hộ công nghệ này. Porsche cũng có cổ phần trong HIF Global - một nhà sản xuất nhiên liệu này.

BMW đã đầu tư khoảng 12,5 triệu USD vào công ty sáng lập nhiên liệu điện tử Prometheus Fuels đồng thời đầu tư hàng tỉ USD vào công nghệ pin điện.

Song cũng có quan điểm cho rằng, sản xuất nhiên liệu điện tử rất đắt và tốn năng lượng. Việc sử dụng nhiên liệu này trên ô tô ICE đòi hỏi lượng điện gấp 5 lần so với vận hành 1 phương tiện chạy bằng pin điện.

Sau thời gian đàm phán căng thẳng, Liên minh châu Âu và Đức đã đạt được thỏa thuận về tương lai động cơ đốt trong. Theo đó, EU đã nhượng bộ, mở cửa cho những đề xuất của Đức, cho phép sau năm 2035, một số loại động cơ đốt trong vẫn được sử dụng.

Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing cho biết: “Theo thỏa thuận mới, sau năm 2035, các phương tiện động cơ đốt trong vẫn được bán nếu sử dụng các nhiên liệu trung hòa carbon”.

Dự kiến, trong tuần này, các nhà ngoại giao của EU sẽ bỏ phiếu để chính thức thông qua dự thảo luật trên.

Nguồn: Báo Giao thông