Hầm đường sắt dài nhất thế giới bị hư hại nặng(Thứ hai, 21/08/2023 11:05 GMT+7)

Mới đây, nhà vận hành đường sắt quốc gia Thụy Sĩ SBB cho biết, hầm Gotthard ở vùng Ticino, miền nam Thụy Sĩ đã bị hư hại nặng sau một đoàn tàu chở hàng trật bánh tại hầm đường sắt Gotthard ngày 10/7, dự kiến không thể phục vụ các tàu chở khách trong nhiều tháng.


Đến nay vẫn còn 16 toa tàu mắc kẹt, chưa được đưa ra khỏi hầm.

“Mức độ hư hại tại hầm Gotthard lớn hơn đáng kể so với ước tính ban đầu. Tổng cộng 8km đường ray và 20.000 thanh tà vẹt cần được thay thế. Quá trình sửa chữa dự kiến kéo dài tới cuối năm 2023”, theo SBB.

Theo hãng tin Guardian, may mắn sự việc không gây thương vong nhưng nhiều ảnh chụp hiện trường cho thấy hầm đường sắt Gotthard bị hư hại đáng kể, nhiều chai rượu nằm la liệt dọc đường ray.

Đoàn tàu di chuyển qua hầm đường sắt Gotthard tại khu vực gần TP Erstfeld, Thụy Sĩ (Ảnh: AP).

SBB cho biết về mặt nguyên tắc, một bên đường hầm không bị ảnh hưởng có thể cho phép tàu hàng hoạt động từ ngày 23/8 nhưng các chuyến tàu chở khách sẽ phải di chuyển trên tuyến đường khác trong vài tháng.

Theo Guardian, khi phải đi sang tuyến khác, tàu nội địa Thụy Sĩ sẽ tốn thêm một giờ còn tàu quốc tế mất thêm hai giờ.

Hầm đường sắt Gotthard đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận chuyển hàng hóa trong lãnh thổ Thụy Sĩ và với các nước láng giềng như Đức và Italy. Theo dữ liệu từ Chính phủ Thụy Sĩ, hơn 2/3 số chuyến tàu chở hàng qua dãy Alps đi qua hầm Gotthard vào năm 2022.

Với chiều dài 57km, hầm Gotthard là hầm đường sắt dài nhất thế giới. Hầm Gotthard được khánh thành vào năm 2016, là công trình kỹ thuật hiện đại nằm sâu bên dưới dãy núi Alps.

Quá trình xây dựng hầm kéo dài 17 năm với chi phí lên tới 12 tỷ USD. Đường hầm được xây dựng nhằm giúp giảm thời gian di chuyển, giảm lưu lượng giao thông trên các tuyến đường bộ và ô nhiễm không khí.

Dù Thụy Sĩ không phải là thành viên Liên minh châu Âu nhưng mạng lưới đường sắt EU vẫn bao gồm các tuyến đường tắt xuyên qua dãy Alps. Ngoài ra, hầm Gotthard còn nằm trong mạng lưới đường sắt chở hàng kéo dài từ thành phố cảng Rotterdam của Hà Lan tới TP Genoa, Italy.

Nguồn: Báo Giao thông