Thực trạng đội tàu biển Việt Nam nhìn từ năng lực sản xuất(Thứ tư, 20/01/2021 07:56 GMT+7)
Việt Nam hiện đang xếp thứ 30 thế giới về qui mô đội tàu biển, liên tục nhiều năm nằm trong Danh sách trắng của TOKYO MOU. Tuy nhiên, từ sau khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của đội tàu biển Việt Nam hầu như không có dấu hiệu chuyển biến tích cực, thậm chí đang ngày càng gặp nhiều khó khăn. Điều này làm suy yếu các doanh nghiệp vận tải biển dẫn đến nguy cơ không thực hiện được mục tiêu phát triển vận tải biển đã được đề ra, đòi hỏi có các biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ.
Ảnh minh họa
Theo TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng và ThS. Lê Trang Nhung, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học nêu trên, vận tải đường biển là phương thức vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu chủ yếu hiện nay do có nhiều ưu thế so với các phương thức vận tải khác. Ở nhiều quốc gia có biển, hoạt động vận tải biển giữa các cảng quốc nội cũng được xem là phương thức vận tải hàng hóa và hành khách chủ yếu.
Việt Nam có đường bờ biển dài (xếp thứ 35 thế giới) và là một trong những quốc gia có tỷ lệ vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán trên diện tích đất đai lớn nhất trên thế giới, nằm ngay bên một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất. Lợi thế địa lý là yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế hàng hải nói chung và phát triển đội tàu buôn nói riêng.
Tuy nhiên, thực tiễn những năm gần đây, ngành vận tải biển của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Bài báo này tiếp cận các vấn đề của đội tàu biển Việt Nam thông qua việc phân tích một số chỉ tiêu phản ánh năng lực sản xuất và nhân tố ảnh hưởng đến các chỉ tiêu này, từ đó đánh giá chi tiết và đề xuất một vài khuyến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách đối với việc phát triển đội tàu biển Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng và ThS. Lê Trang Nhung đánh giá thực trạng đội tàu biển Việt Nam là một trong những nội dung của hầu hết các nghiên cứu liên quan đến vận tải biển, đặc biệt là vận chuyển đường biển. Trong các báo cáo thường niên của Liên hiệp quốc về vận tải biển (Review of Maritime transport), các số liệu về đội tàu biển Việt Nam được công bố cùng với các đội tàu thế giới kèm theo nội dung đánh giá khách quan. Nhiều luận án nghiên cứu của các tác giả cũng có đề cập đến thực trạng đội tàu biển Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau để phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu cụ thể, như luận án của NCS. Vũ Trụ Phi tìm kiếm các giải pháp về vốn để phát triển đội tàu biển nòng cốt của Việt Nam (2005), hoàn thiện quản lý nhà nước nhằm nâng cao thị phần của đội tàu biển Việt Nam (2008) của NCS. Vũ Thị Minh Loan, phát triển đội ngũ quản lý trong doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam (2012) của NCS. Mai Khắc Thành. Gần đây có luận án của NCS. Nguyễn Cảnh Hải về hợp lý hóa cơ cấu đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES) (2019). Ngoài ra, còn rất nhiều bài báo của các tác giả Việt Nam được đăng trên tạp chí trong và ngoài nước có đề cập đến vấn đề này. Hầu hết các công trình nghiên cứu đã công bố đều tập trung đánh giá qui mô, kết cấu của đội tàu biển trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đề cập một cách hệ thống tới các chỉ tiêu kết quả sản xuất của đội tàu biển Việt Nam.
Như vậy, để hình thành một đội tàu buôn đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh thị phần xuất nhập khẩu, TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng và ThS. Lê Trang Nhung kiến nghị các nhà hoạch định chính sách có thể mạnh dạn nghĩ đến việc: Một là, qui hoạch lại toàn bộ đội tàu biển Việt Nam, tính toán và lựa chọn kết cấu đội tàu phù hợp, đủ năng lực vận chuyển trong nước và cạnh tranh trên thị trường vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Hai là, hợp nhất các công ty vận tải biển thành từ 3 -10 hãng tàu được phân vùng hoạt động cụ thể bằng việc mua lại các doanh nghiệp vận tải biển qui mô nhỏ. Nhà nước có thể hỗ trợ tùy mức độ để việc mua bán và hợp nhất doanh nghiệp diễn ra thuân lợi. Ba là, đối với những hãng tàu được phân vùng hoạt động trên các tuyến quốc tế nhất thiết phải có đội tàu đủ mạnh. Nguồn vốn để hình thành đội tàu này trước hết là từ nguồn bán và thanh lý tàu cũ, bổ sung nguồn vốn xã hội hóa thông qua kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, kể cả nguồn vốn từ ngân sách. Để thực hiện được các biện pháp này, trước hết, cơ quan quản lý nhà nước về vận tải biển (Cục Hàng hải Việt Nam) phải thành lập các nhóm công tác gồm các chuyên gia và các nhà khoa học để nghiên cứu các dự án khả thi cho việc qui hoạch đội tàu, hợp nhất hãng tàu và xác định, tính toán nguồn đầu tư cho từng dự án.
Vận tải biển Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong những năm qua và sẽ còn tiếp tục gặp nhiều thử thách trong thời gian tới, khi mà kinh tế thế giới được cho là đang bước vào giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Năng lực sản xuất yếu kém và kết quả kinh doanh thua lỗ làm cho các hãng tàu của Việt Nam không còn đủ mạnh để tiếp tục đương đầu với những thử thách sắp tới. Nếu không có các biện pháp mạnh mẽ, ngành vận tải biển Việt Nam sẽ không còn khả năng phát triển như mục tiêu đề ra. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần nhìn vào bản chất của hiện tượng để có các biện pháp phù hợp, tìm cách cứu đội tàu buôn để vận tải biển Việt Nam phát triển tương xứng với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, vì sự phát triển chung của nền kinh tế. Ở góc độ an ninh chính trị, sự phát triển của đội tàu biển cũng được xem là một đảm bảo cho an ninh hàng hải - một vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam hiện nay.