Vài nét về hệ thống tàu điện ngầm của Praha(Thứ ba, 12/05/2009 00:00 GMT+7)
Chỉ với ba tuyến đường (gần 60 km) mà một ngày có tới gần 1,5 triệu lượt hành khách lên tàu (2007). Metro là phương tiện giao thông chủ chốt và nhanh nhất thành phố. Mạng giao thông công cộng tổng hợp (metro, tàu điện, xe buýt, tàu hỏa ngoại ô), quản lý thống nhất toàn thành phố.
Chỉ với ba tuyến đường (gần 60 km) mà một ngày có tới gần 1,5 triệu lượt hành khách lên tàu (2007). Metro là phương tiện giao thông chủ chốt và nhanh nhất thành phố. Mạng giao thông công cộng tổng hợp (metro, tàu điện, xe buýt, tàu hỏa ngoại ô), quản lý thống nhất toàn thành phố.
Một nhà ga tàu điện ngầm ở Praha
Metro Praha là hệ thống tàu điện ngầm thứ sáu bận rộn nhất châu Âu. Với chiều dài tổng cộng 59,3 km, 57 ga, phần lớn tuyến đường được xây dựng cách đây 30 năm, hiện nay vẫn tiếp tục mở rộng, hàng năm có tới 620 triệu lượt hành khách lên tàu.
Mạng đường gồm ba tuyến: Tuyến A (đông-tây) 11 km, 13 ga, Tuyến B (tây-nam) 25,6 km, 24 ga, Tuyến C (bắc-nam) 22,7 km, 20 ga, cả ba tuyến gặp nhau ở khu trung tâm, hình thành một hình tam giác với 3 ga trung chuyển (Můstek, Muzeum và Florenc), do Công ty Vận tải Praha quản lý khai thác. Công ty
này quản lý chung các phương tiện giao thông thành phố, trong đó có cả tàu điện và xe buýt.
Tàu chạy từ 5 giờ sáng đến nửa đêm với gián cách thời gian 2 đến 3 phút trong giờ cao điểm và 4 đến 10 phút ngoài giờ cao điểm. Mạng đường nối tiếp với các tuyến tàu hỏa ngoại ô và các tuyến xe buýt, vươn tới những vùng ngoại ô xa, hình thành một mạng giao thông công cộng tổng hợp toàn thành phố.
Hệ thống vé bao phủ toàn vùng, trong đó thành phố Praha thuộc khu vực P và O. Tất cả các loại vé đều có giá trị để đi xe buýt, tàu điện, metro và tàu hỏa ngoại ô (trừ vé một lượt): vé một lượt 26 CZK (crown Czech), vé 24 giờ 100 CZK, vé 3 ngày (72 giờ) 330 CZK, vé 5 ngày (120 giờ) 500 CZK.
Đặc điểm ga Metro Praha
Hệ thống Metro Praha bố trí ba tuyến gặp nhau ở trung tâm thành phố theo hình tam giác với 3 ga trung chuyển, mỗi ga trung chuyển có hai phòng đón khách, mỗi phòng cho mỗi tuyến. Đa số các ga có một ke đơn chạy dọc giữa phòng chờ (trong hầm) dùng cho cả hai hướng.
Các ga và các tuyến đường đều ở độ sâu khác nhau. Ga sâu nhất là ga Námĕstí Miru, 52 m dưới mặt đất. Các tuyến đường dưới khu trung tâm thường là hầm đào khoan, ngoài khu trung tâm thường dùng phương pháp đào lấp chỉ cách mặt đất vài mét. Một phần của Tuyến B có chỗ còn làm hầm nổi lắp kính.
Có một đặc điểm là các ga metro ở Praha đều khá rộng với nhiều lối ra vào cách nhau khá xa, khách lạ có thể lúng túng tìm lối ra vào nhất là ở những ga tập trung đông như Mustek và Muzeum. Nhưng các ga đều có các biển chỉ dẫn hết sức chu đáo, kể cả những hành khách không biết tiếng địa phương cững không cảm thấy khó khăn.
Cải tiến và hiện đại hóa đoàn tàu
Đầu tiên, Tuyến C vận dụng tàu E-xêri nhập từ Liên Xô (trước đây). Xuất xứ từ A-xêri ra đời từ 1934, đưa vào vận hành trên đoạn đầu của Metro Praha từ 1974.
Tàu E-xêri lúc đầu vận hành với ram tàu 3 toa, sau kéo dài thêm thành ram tàu 4 toa, đến năm 1979 nối thêm thành ram tàu 5 toa cho phù hợp với chiều dài ga ở Praha. Đoàn tàu cuối cùng được bàn giao là năm 1979. Tàu E-xêri đã vận hành trọn đời trên Tuyến C không thể chạy trên các tuyến khác có dốc cao hơn, cho đến năm 1997 là 53 toa cuối cùng được đưa vào Bảo tàng Vận tải Praha.
Để phù hợp với yêu cầu của Tuyến A, tàu E-xêri đã được cải tiến thành loại tàu mới, hiện đại 81-71M và năm 1978 được đưa ra vận dụng trên Tuyến A và một phần quan trọng của Tuyến B. Có 507 toa, lập thành 101 ram tàu loại 5 toa được bàn giao từ 1978 đến 1990.
Trước yêu cầu mới hiện đại đầu máy toa xe, năm 1989 người ta đã đưa vào vận hành tàu M1 của Siemens và năm 2000 đã thay thế toàn bộ toa xe cũ trên Tuyến C. Năm 2006, Siemens đã hoàn thành cung cấp 48 ram tàu, thỏa màn đầy đủ yêu cầu vận tải.
Hai tuyến A và B hiện nay vẫn còn vận dụng các ram tàu cải tiến 81-71M.
Tín hiệu điều khiển tốc độ tàu tự động
Tuyến C Metro Praha được trang bị thiết bị tín hiệu PA135 của Siemens, có khả năng điều khiển tốc độ tàu tự động, giảm thời gian dừng tại các ga lẻ, cho phép chọn khoảng cách hãm tối ưu. Với hệ thống điều hành này, tàu có thể vận hành với gián cách thời gian tới 85 giây mà vẫn bảo đảm mọi điều kiện an toàn.
Siemens được chọn để trang bị hệ thống tín hiệu cho tuyến C từ 1997, năm 2005 Siemens lại nhận được hợp đồng trang bị an toàn cho đoạn nối dài từ Ladvi đến Leetnany.
Tiếp tục làm thêm tuyến mới và nối dài tuyến hiện có
Tiếp sau việc nối dài Tuyến C, Metro Praha đã sẵn sàng cho việc xây dựng một tuyến mới hoàn toàn, Tuyến D, nối trung tâm với khu phố Nuslse ở phía nam thành phố và tiếp tục kéo dài đến vùng ngoại ô phụ cận như Krĕ, Libuš và Pinise. Đoạn đầu của tuyến này dự kiến mở chạy tàu vào năm 2013. Ngoài ra, còn dự kiến xây dựng thêm Tuyến E.
Kế hoạch mở rộng Tuyến A, dự tính hết khoảng 2 tỷ USD, nhằm mở rộng mạng đường về phía tây và tây-bắc, kéo dài từ Dejvice đến Sân bay Quốc tế Ruzynĕ.
ĐT (Theo BDS)