Mỹ chế tạo sơn xe ôtô tự liền các vết xước(Thứ sáu, 15/05/2009 00:00 GMT+7)

Các nhà khoa học Đại học Southern Mississippi của Mỹ lần đầu tiên chế tạo thành công một vật liệu tổng hợp polyurethane dùng để sản xuất sơn có thể tự làm liền những vết xước chỉ chưa đầy một giờ sau khi tiếp xúc với tia cực tím.

Các nhà khoa học Đại học Southern Mississippi của Mỹ lần đầu tiên chế tạo thành công một vật liệu tổng hợp polyurethane dùng để sản xuất sơn có thể tự làm liền những vết xước chỉ chưa đầy một giờ sau khi tiếp xúc với tia cực tím.

Do đặc tính co giãn và cứng, nên sơn polyurethane có thể tránh trầy xước, song nó không thể làm liền các vết xước lớn do va đập mạnh. Để polyurethane có thể "chữa lành" các vết xước trên vỏ xe, các nhà khoa học đã liên kết hóa học hai thành phần oxetane và chitosan vào polyurethane.
Khi vết trầy xước phá hỏng cấu trúc phân tử, dưới tác động của ánh nắng Mặt Trời, sẽ xảy ra phản ứng hoá học giúp vết xước nhanh chóng liền lại và tái tạo màu sắc như ban đầu.
Giáo sư Marek Urban, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu trên, khẳng định những vết trầy xước trên vỏ xe sẽ tự liền trong khoảng chưa đầy một giờ đồng hồ. Giáo sư cho rằng việc phát minh ra vật liệu này sẽ đem lại rất nhiều tiềm năng cho ngành công nghiệp ôtô.
Ngoài ra, ông còn cho biết vật liệu này còn có thể được sử dụng trong việc đóng gói, sản xuất đồ nội thất và kể cả xây dựng.
Hiện nhiều công ty hóa chất rất quan tâm tới công trình nghiên cứu này và mong muốn đầu tư sản xuất để có thể sớm tung ra thị trường sản phẩm nói trên.
Trước đây, các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã sản xuất thành công loại sơn tương tự mang tên “Scratch Guard Coat” có khả năng tự "làm lành" các vết xước trong vòng vài giờ, một ngày hoặc một tuần tùy theo nhiệt độ môi trường và độ sâu của vết xước.
TTXVN