Novachip chuẩn bị áp dụng vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương(Thứ ba, 14/04/2009 00:00 GMT+7)

Dự kiến đầu tháng 5/2009 tới đây, công nghệ Novachip, một trong những công nghệ thảm bê tông nhựa tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới sẽ chính thức được triển khai thực hiện vào công trình đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo rất nhiều chuyên gia đầu ngành, Novachip có những tính năng vượt trội với độ bền và đảm bảo an toàn giao thông rất cao so với phương pháp thảm thông thường và trong tương lai sẽ mở ra hướng thiết kế mới cho các dự án giao thông, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc tại Việt Nam.

Dự kiến đầu tháng 5/2009 tới đây, công nghệ Novachip, một trong những công nghệ thảm bê tông nhựa tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới sẽ chính thức được triển khai thực hiện vào công trình đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo rất nhiều chuyên gia đầu ngành, Novachip có những tính năng vượt trội với độ bền và đảm bảo an toàn giao thông rất cao so với phương pháp thảm thông thường và trong tương lai sẽ mở ra hướng thiết kế mới cho các dự án giao thông, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc tại Việt Nam.

Công nghệ ưu việt

Novachip có sự ra mắt hết sức thành công tại Việt Nam khi trong tháng 9/2008 vừa qua, tại km 10+700 đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, Tổng công ty XDCTGT 1 (Cienco1) và Công ty Hall Brothers (Hoa Kỳ) đã tổ chức thảm thí điểm lớp bê tông nhựa tạo nhám mặt đường. Rất nhiều chuyên gia kỹ thuật của ngành GTVT đã được tận mắt chứng kiến ưu điểm nổi bật của công nghệ Novachip. Sau khi vừa thảm được những đoạn đầu tiên, trời đổ mưa to. Nếu như phần đường thảm bằng công nghệ thông thường nước đọng lại thành vũng, khi các phương tiện giao thông lưu thông, nước mưa bắn tung tóe thì trên đoạn thảm áp dụng Novachip, mặt đường gần như khô nguyên, mưa tới đâu là nước thoát ngay tức thì, không xuất hiện những bụi nước bánh xe làm bắn lên. Một điều quan trọng mà mọi người theo dõi tận mắt chứng kiến là tốc độ thảm của máy rất nhanh (21m/phút), việc chuyển làn thi công và cho các phương tiện giao thông được lưu thông ngay vào làn vừa hoàn thành chỉ mất đúng 5 phút mà không phải chờ đợi thêm bất kỳ thời gian nào, đều này rất quan trọng cho các tuyến đường nội đô hoặc cao tốc có mật độ lưu lượng xe cao khi mà vừa thi công vừa đảm bảo giao thông.

Theo ông Cấn Hồng Lai, Tổng Giám đốc Cienco1, Cienco 1 là một trong các doanh nghiệp của Bộ GTVT luôn quan tâm đến việc tiếp thu các công nghệ mới với phương châm cải tiến không ngừng để hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn quá trình thi công, cho ra đời các công trình có mỹ quan đẹp, chất lượng và tuổi thọ cao. Việc thảm thí điểm 500 mét trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài là cơ sở cho Viện Khoa học công nghệ thí nghiệm, đánh giá và hoàn tất “Quy trình thi công và nghiệm thu lớp phủ siêu mỏng bê tông nhựa theo công nghệ Novachip” và đến nay Bộ GTVT đã chính thức ban hành quy trình cho phép áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Áp dụng công nghệ Novachip sẽ giúp nước mặt đường thoát nhanh hơn mỗi khi trời mưa, giảm bắn bụi nước từ mỗi phương tiện giao thông. Lớp cấp phối bê tông nhựa sử dụng hai loại vật liệu chính là nhựa polyme và hỗn hợp đá có cường độ cao nên tạo ra lớp bê tông nhựa có tuổi thọ cao trên 13 năm. Ngoài ra còn có lớp nhũ tương polyme đặc biệt (lớp Novabol) giúp bảo vệ mặt đường hiện tại, ngăn nước thấm từ trên xuống, lớp nhũ tương polyme này được chứa trong bồn của máy rải và được phun trực tiếp từ máy rải trước 5 giây và đồng thời với việc rải thảm. Công nghệ này cho lớp mặt đường có độ chống trơn trượt cao - an toàn cho phương tiện giao thông trên đường. Một sự khác biệt so với các công nghệ khác là tiếng ồn, khi đi vào tuyến đường sử dụng công nghệ này người lái xe sẽ cảm nhận ngay thấy tiếng ồn do lốp xe ma sát với mặt đường giảm hẳn. Với thiết bị rải một hành trình, vừa phun nhũ tương vừa thảm, thời gian thi công nhanh gấp 6 lần máy rải thông thường (tốc độ rải từ 18-30m/ phút), hiệu quả chi phí- chi phí bảo trì bảo dưỡng thấp.

Còn theo ông Richard Kistner, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Hall Brothers cho biết, về mặt kinh tế, chi phí để thảm Novachip có tính cạnh tranh rất cao so với thảm át - phan thông thường. Độ dày của lớp thảm Novachip từ 1,5cm đến 2,5cm, trong khi lớp thảm thông thường hiện nay là 5cm. Việc này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể nguyên liệu. Tuổi thọ trung bình của mặt đường thảm Novachip tại Mỹ là 13 năm. Hơn nữa, công nghệ Novachip dùng tia laze để thảm đường thay cho đo thủ công để thảm theo phương pháp thông thường nên khi xuống cấp, lớp thảm áp dụng Novachip còn có thể bóc lên tái sử dụng lại.

Bắt đầu Từ TP.HCM - Trung Lương

Mặc dù mới được thử nghiệm tại Việt Nam chưa lâu nhưng với những tính năng ưu việt của mình, Novachip đã ngay lập tức được nhiều chủ đầu tư quan tâm. Và một trong những dự án đường cao tốc thuộc loại lớn nhất Việt Nam đang được triển khai do Ban QLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư đã lựa chọn Novachip để thảm lớp mặt. Theo quyết định của Tổng giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, toàn bộ phần khối lượng xây dựng lớp bê tông nhựa tạo nhám từ các đơn vị thi công các hợp đồng thuộc tuyến cao tốc của Cienco6, 1, 4, 5, 8, Thăng Long và Tổng công ty Thương mại xây dựng bao gồm hơn 30 hợp đồng sẽ được tổ chức thành một gói thầu xây dựng lớp bê tông nhựa tạo nhám và giao cho Cienco1 thi công. Giá trị tạm tính của gói thầu khoảng hơn 51 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Công ty xây dựng 123- Cienco1, đơn vị thi công của Cienco1 trực tiếp nhận chuyển giao và thi công công nghệ này cho biết, công tác chuẩn bị cho hạng mục này đang được triển khai, dự kiến đầu tháng 5 sẽ chính thức thảm trên 12km cầu cạn thuộc tuyến cao tốc, các chuyên gia của Công ty Hall Brothes (Mỹ) sẽ trực tiếp có mặt tại hiện trường để cùng vận hành và chuyển giao công nghệ.

Có thể nói, đây là thành công bước đầu rất đáng ghi nhận của những người đã nỗ lực đưa công nghệ Novachip vào Việt Nam. Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ còn rất nhiều dự án giao thông khác sẽ áp dụng công nghệ này, bởi hiện nay Việt Nam đang và sắp triển khai rất nhiều dự án đường cao tốc lớn. Trước mắt, trong những tháng tới có thể sẽ là Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình hay Láng – Hòa Lạc…

Được biết nhiều chủ đầu tư đang rất quan tâm đến công nghệ này vì những tính năng ưu việt và vượt trội, trong đó Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đánh giá rất cao những tính năng ưu việt của công nghệ này và ủng hộ việc áp dụng công nghệ vào các công trình đường cao tốc như Cầu Giẽ- Ninh Bình cũng như các tuyến đường cao tốc tới đây. Hy vọng với công nghệ này, trong thời gian tới sẽ có những con đường có chất lượng tốt hơn, tuổi thọ cao hơn và đặc biệt an toàn hơn, giảm thiểu tai nạn giao thông.
GV