Tàu Big Eye số hóa công tác bảo trì đường sắt tại Nhật Bản(Thứ ba, 07/11/2023 08:56 GMT+7)

Bằng cách sử dụng cảm biến, Big Eye có thể thu thập dữ liệu về hướng đi của đường ray, đo khoảng cách giữa đường ray và hạ tầng, bao gồm cột điện, đường hầm, sân ga và đèn giao thông.


Tàu Big Eye được sơn màu đỏ, với hai chiếc đèn pha giống cặp nhãn cầu, được sửa lại từ chiếc tàu bị ảnh hưởng của trận lụt vào tháng 7/2020 ở Hitoyoshi, tỉnh Kumamoto, Tây Nam Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo)

Tàu Big Eye được sơn màu đỏ, với hai chiếc đèn pha giống cặp
nhãn cầu, được sửa lại từ chiếc tàu bị ảnh hưởng của trận lụt vào
tháng 7/2020 ở Hitoyoshi, tỉnh Kumamoto, Tây Nam Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo)

Công ty Đường sắt Kyushu Nhật Bản mới đây đã phát triển một tàu kiểm tra đường ray mới có tên gọi Big Eye, với nhiều chức năng số hóa nhằm tăng hiệu quả công tác bảo trì.

Trong khi công tác bảo trì thông thường chủ yếu dựa vào kiểm tra trực quan, tàu Big Eye được trang bị cảm biến laser và camera để phát hiện tình trạng biến dạng của đường sắt, đồng thời sử dụng lượng lớn dữ liệu mà thiết bị thu thập được để đưa ra các đánh giá. Tàu mới có thể vận hành hiệu quả hơn vì có khả năng tự lái mà không cần đầu máy kéo, không giống như tàu kiểm tra hiện nay, vốn được sử dụng từ trước năm 1987 - thời điểm doanh nghiệp Đường sắt quốc gia Nhật Bản của nhà nước được tư nhân hóa.

Bằng cách sử dụng cảm biến, Big Eye có thể thu thập dữ liệu về hướng đi của đường ray, đo khoảng cách giữa đường ray và hạ tầng, bao gồm cột điện, đường hầm, sân ga và đèn giao thông. Tính năng chụp ảnh liên tục bằng camera trên toa tàu có thể được dùng để kiểm tra trạng thái của các phụ kiện kim loại dùng để gắn kết các đường ray. Dữ liệu thu thập được gửi đến hệ thống của công ty để phân tích từ xa, góp phần giảm bớt nhân lực tại hiện trường. Tàu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích ảnh chụp của camera và tự động phát hiện các khu vực cần bảo trì.

Công ty dự kiến tiến hành chạy thử tàu Big Eye từ tháng này đến tháng 3 năm sau ở khu vực Tây Nam Nhật Bản, trước khi chính thức ra mắt nhằm đánh giá độ bền của thiết bị, độ chính xác của việc đo lường dữ liệu và để xây dựng một hệ thống phân tích dữ liệu.

Cuối tháng 10, Chủ tịch Công ty Đường sắt Kyushu, Yoji Furumiya khẳng định hãng đã tăng cường các chức năng của tàu để triển khai hoạt động bảo trì đường sắt, phòng ngừa sự cố. Đây là một ví dụ về số hóa đường sắt.

Big Eye được sơn màu đỏ, với hai chiếc đèn pha giống cặp nhãn cầu, được sửa lại từ chiếc tàu bị ảnh hưởng của trận lụt vào tháng 7/2020 ở Hitoyoshi, tỉnh Kumamoto, Tây Nam Nhật Bản. Tàu còn trang trí hình con bò ở phía sau, nhằm quảng bá cho vùng Kumamoto vốn nổi tiếng với thịt bò. Hai bên của con tàu đều có hoa văn sóng lượn giống như đường đi của các tuyến đường ray. Công ty Đường sắt Kyushu hy vọng thiết kế này sẽ được nhiều người biết đến, kể cả trẻ em, giống như các tàu cao tốc kiểm tra đường ray mang tên Doctor Yellow ở Nhật Bản.

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam