Ôtô chạy năng lượng mặt trời 'Made in Vietnam'(Thứ tư, 25/05/2011 10:41 GMT+7)

Nhóm sinh viên khoa Cơ khí giao thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước khi cho ra lò chiếc xe ôtô chạy bằng năng lượng mặt trời.

Nhóm sinh viên khoa Cơ khí giao thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước khi cho ra lò chiếc xe ôtô chạy bằng năng lượng mặt trời. Tạ Ngọc Thiên Bình, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết ý tưởng chế tạo xe ôtô chạy bằng năng lượng mặt trời (Solar Car C4 - SC4) bắt đầu từ một trưa hè khi ngồi uống cà phê, thấy mấy bác xích lô còng lưng đạp xe giữa phố. Bình tự hỏi sao không tận dụng nắng để phục vụ con người và nảy ra sáng kiến chế tạo xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời. Theo tính toán của Bình, loại xe xích lô này có thể giảm được 70% lực của người đạp. Bình đem ý tưởng này bàn với 2 người bạn thân là Huỳnh Kim Trạng, Phạm Nguyên Sơn và nhận được sự ủng hộ. Ba bạn trẻ nhanh chóng bắt tay nghiên cứu. Sau một thời gian tự mày mò tìm hiểu, nhận thấy xe xích lô nhỏ, không có tính ứng dụng cao, nhóm quyết định chuyển qua xe ôtô. Để thiết kế mô hình xe ô tô năng lượng mặt trời, các bạn tìm tài liệu, tiết kiệm tiền chu cấp hằng tháng của bố mẹ thay phiên nhau đi xe vào TPHCM, Cần Thơ tìm hiểu mô hình. Sau hơn 3 tháng nỗ lực, nhóm cũng hoàn thiện được mô hình. Tuy nhiên, khi có mô hình, cả nhóm suýt phải bỏ cuộc vì thiếu tiền. “Chúng tôi đều là sinh viên nghèo, tiền ăn hằng tháng còn chưa đủ huống chi bỏ ra hàng chục triệu đồng để nghiên cứu”, Bình cho biết. Để tự chế được chiếc xe ô tô năng lượng mặt trời, cả nhóm phải ăn mì tôm cả tháng, tận dụng những vật liệu rẻ tiền và được sự hỗ trợ kinh phí của các thầy cô trong khoa. Sau gần một năm, nhóm cũng cho ra lò SC4. “Khoa khuyến khích sinh viên khóa sau tiếp tục hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật để SC4 trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh với nhiều tính năng ưu việt nhất có thể.” - Thầy Dương Việt Dũng, Trưởng khoa Cơ khí giao thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho biết. SC4 nặng 350 kg, nếu hết điện hoặc không có nắng có thể chạy bằng động cơ nhiệt sử dụng nhiên liệu khí gas hóa lỏng LPG được lắp đặt song song với động cơ điện. Nhóm cho biết mỗi xe chở được 2 người với trọng lượng tối đa 140 kg, tốc độ tối đa 40km/giờ, phù hợp với các khu du lịch, thành phố, đoạn đường nhỏ. Nhóm cũng đã tính toán độ bền của xe khoảng 20 năm với giá thành khoảng 50-60 triệu đồng/chiếc. Theo Phạm Nguyên Sơn, đây là giá sản xuất đơn chiếc, còn sản xuất theo dây chuyền đồng loạt, giá thành có thể thấp hơn. Thầy Dương Việt Dũng, Trưởng khoa Cơ khí giao thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, người trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu, đánh giá: “Ưu điểm của loại xe này là không gây ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời dồi dào; thiết kế nhỏ gọn phù hợp điều kiện giao thông vận tải Việt Nam”. Cũng theo thầy Dũng, loại xe này phù hợp cho việc phục vụ du lịch ở phố cổ Hội An, Đà Nẵng (Đà Nẵng đang xây dựng thành phố môi trường, còn Hội An cấm các loại xe có động cơ lưu thông trong phố cổ) có thể đưa du khách đi tham quan, mua sắm một cách linh động. Hôm trình làng, SC4 đã chạy thử nghiệm tại một số tuyến phố chính như Sơn Trà, Bạch Đằng, Điện Ngọc (Đà Nẵng). Hiện nhóm tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh sản phẩm. Theo Phạm Nguyên Sơn, đã có 4 - 5 doanh nghiệp trong, ngoài nước ngỏ ý với nhóm để được tài trợ đưa SC4 vào khai thác du lịch, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. SC4 đoạt giải nhất giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC 2011; giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD & ĐT; giải nhì cuộc thi Ý tưởng bảo vệ môi trường do T.Ư Đoàn tổ chức; nhận học bổng Toyota về đề tài nghiên cứu bảo vệ môi trường.
DT (Theo Tienphong)