Taxi, xe buýt – Tác nhân gây ô nhiễm ở đô thị(Thứ hai, 18/07/2011 07:53 GMT+7)
Theo một nghiên cứu mới đây, với số lượng ngày càng tăng, vận hành liên tục, taxi và xe buýt ở các thành phố lớn là các loại phương tiện gây ảnh hưởng đến môi trường nhất.
Theo một nghiên cứu mới đây, với số lượng ngày càng tăng, vận hành liên tục, taxi và xe buýt ở các thành phố lớn là các loại phương tiện gây ảnh hưởng đến môi trường nhất.
Hiện số lượng xe taxi ở Hà Nội là khoảng 14 nghìn xe, dự kiến năm 2020 sẽ là 20 nghìn xe. Tuổi thọ trung bình của taxi trên địa bàn này là khoảng 7-8 năm, với “tuổi đời” và với chế độ chạy liên tục của taxi, động cơ khó có thể đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Đó là chưa nói đến các xe sản xuất lắp ráp tại Việt Nam cách đây 5 năm chưa bị “khép” vào tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Về nhiên liệu xăng, Việt Nam đang sử dụng 2 loại A92 và A90 là chủ yếu, việc sử dụng xăng sinh học đang còn ở mức “sơ khai” nên ô nhiễm do khí thải từ loại phương tiện này đang ở mức cao.
Số lượng xe buýt ở Hà Nội có khoảng 1.300 chiếc với “tuổi đời” từ 5-10 năm. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì có 30% xe buýt ở Hà Nội xả khói đen nhiều hơn mức cho phép. Khí thải xe buýt rất độc hại do chất lượng động cơ, tuổi đời động cơ và chất lượng nhiên liệu diesel. Trong khi đó, xe buýt thường xuyên vượt tải lại hay đi ngắn, đỗ dừng nhiều và ùn tắc giao thông nên phải chạy chế độ đậm nhiên liệu làm khí thải thường đen đậm. Xe buýt là một trong những loại phương tiện xả khí thải nhiều nhất ra môi trường và cũng là tác nhân chính tác động đến môi trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ môi trường không khí cho các thành phố lớn, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và an toàn năng lượng, cần nâng tiêu chuẩn khí thải tại các đô thị và thành phố lớn. Bên cạnh đó, cần có những đề tài nghiên cứu, những phương án chuyển đổi nhiên liệu đối với các loại phương tiện công cộng trong thành phố.
KO (Theo Autonet)