Phát triển xe buýt ở TP Hồ Chí Minh: Ưu tiên xe buýt sạch(Thứ sáu, 05/04/2013 07:56 GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương phát triển các hệ thống vận tải hành khách công cộng như tàu điện ngầm, xe điện… nhưng phải 6 - 8 năm nữa mới có thể đưa vào hoạt động. Vì vậy, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng chính hiện nay. Chính vì thế, TP đang tập trung mọi nguồn lực để thay thế mới khoảng 1.800 xe buýt và chủ yếu là sử dụng nhiên liệu sạch.

TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương phát triển các hệ thống vận tải hành khách công cộng như tàu điện ngầm, xe điện… nhưng phải 6 - 8 năm nữa mới có thể đưa vào hoạt động. Vì vậy, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng chính hiện nay. Chính vì thế, TP đang tập trung mọi nguồn lực để thay thế mới khoảng 1.800 xe buýt và chủ yếu là sử dụng nhiên liệu sạch.
Mục tiêu của TP là thu hút lượng khách đi xe buýt càng nhiều càng tốt, nhằm hạn chế dần việc sử dụng phương tiện xe cá nhân và giảm ách tắc giao thông. Vì thế, TP bắt đầu khôi phục, phát triển xe buýt từ năm 2002. Vào thời điểm này, trên địa bàn TPHCM chỉ có khoảng 587 xe buýt loại từ 17 đến trên 39 ghế, đa phần xe buýt loại này đều hết niên hạn sử dụng. Những năm sau đó, hàng loạt chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện, hỗ trợ lãi suất vay khi mua xe mới, hỗ trợ giá vé… nên số lượng xe buýt tăng lên 2.434 xe loại từ 17 đến trên 39 ghế. Số xe này phủ khắp địa bàn TP, mặc dù từ cuối năm 2012, Trung tâm Điều hành và quản lý vận tải hành khách công cộng TPHCM đã giảm khoảng 70.000 chuyến trên 108 tuyến xe buýt có trợ giá nhằm điều chỉnh lộ trình cho phù hợp với lượng hành khách, tạm ngưng hoặc điều chỉnh hàng trăm tuyến nhằm hạn chế tình trạng xe thưa thớt khách.
Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, đến năm 2025 xe buýt vẫn giữ vai trò chủ đạo, vì đến thời điểm đó dù TP đã có các tuyến metro nhưng do các tuyến metro vẫn còn đơn lẻ trên một số tuyến chính nên xe buýt tiếp tục đóng vai trò vận chuyển hành khách ở những tuyến gom, kết nối các tuyến metro. Do vậy, TP cũng đã xác định chủ trương tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống xe buýt, trong đó ưu tiên phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.
Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch - khí nén thiên nhiên (CNG), đến nay có 28 xe này. Từ giữa năm 2010, Liên hiệp HTX vận tải đưa vào hoạt động thử nghiệm xe buýt CNG. Công ty Saigon Bus cũng đang vận hành 22 xe buýt CNG hoạt động trên tuyến Sài Gòn - Bình Tây. Công ty Saigon Bus cho biết, sau một thời gian đưa vào hoạt động cho thấy xe buýt CNG hiệu quả hơn xe buýt sử dụng dầu diesel. Cụ thể: Khi sử dụng xe buýt CNG tiết kiệm được khoảng 30% - 40% chi phí nhiên liệu so với xe buýt chạy dầu; giảm độ ồn và cũng giảm đáng kể các lượng khí thải độc hại thải ra môi trường.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, tuy chi phí nhiên liệu của xe buýt CNG chỉ bằng khoảng 60%-70% chi phí của xe buýt chạy dầu, song thực tế do TP chỉ mới có 2 trạm cung cấp khí CNG (quận Tân Bình và Bình Thạnh) vì thế việc nạp nhiên liệu còn gặp khó khăn. Mặt khác, TP cũng chưa có những chính sách khuyến khích cụ thể và rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư. Như lãi suất ưu đãi cho vay, chính sách giảm thuế đầu tư xe mới, chi phí chênh lệch giữa xe buýt CNG và xe buýt chạy dầu...
Sở GTVT đã nhiều lần đề nghị TP cho nhà đầu tư xe buýt CNG được hưởng tiền chênh lệch khi giảm 30%-40% chi phí nhiên liệu - tức vẫn tính trợ giá xe buýt CNG bằng mức tiền xe buýt chạy dầu, để các doanh nghiệp có một khoản dư tái đầu tư phương tiện. Tuy nhiên, đề xuất của Sở GTVT chưa được Sở Tài chính đồng ý. Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, khẳng định, nếu đơn vị nào đầu tư xe buýt CNG sẽ được bảo đảm ổn định luồng tuyến lâu dài. Sở GTVT cũng tiếp tục kiến nghị TP hỗ trợ các chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà xe từng bước đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Trong năm 2012, UBND TP đã giao Tổng Công ty Samco triển khai nghiên cứu dự án đóng mới 300 xe buýt CNG trong nước để thay thế cho những xe buýt chạy dầu.
Sở GTVT cũng đang xúc tiến với các quận tìm quỹ đất để xây dựng khoảng 70 - 90 trạm trung chuyển hành khách. Theo Quyết định 101/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2007, quy định rõ về diện tích đất dành cho 30 bến bãi vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP là 1.146ha; nhưng đến nay các sở, ngành chỉ mới sắp xếp được 28ha. Từ năm 2002, Sở GTVT đã đề nghị quy hoạch 22 bến bãi cho xe buýt. Thế nhưng các quận, huyện chưa thật sự quyết tâm cùng các ngành để xây dựng hệ thống bến bãi. Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, cho rằng muốn có mạng lưới xe buýt hoàn thiện để nâng cao khả năng phục vụ người dân thì phải có được mạng lưới trạm trung chuyển phù hợp. Mục tiêu của TP là thu hút lượng khách đi xe buýt càng nhiều càng tốt, nhằm hạn chế dần việc sử dụng phương tiện cá nhân. Thế nhưng, với tình trạng èo uột như hiện nay, hình ảnh xe buýt càng trở nên xấu xí và tất nhiên người dân sẽ ngày càng xa lánh.
Nguồn: Báo SGGP