Chuyển đổi sang phương tiện xanh(Thứ hai, 24/10/2022 08:47 GMT+7)

Việc chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng xanh, thân thiện với môi trường đang được Hà Nội nghiên cứu. Kế hoạch chuyển đổi cần có lộ trình phù hợp, tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, không gây ra xáo trộn với hành khách.


Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải (GTVT), từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt, xe ta xi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Thực hiện chủ trương này, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT xây dựng kế hoạch, lộ trình để thay thế xe buýt từ sử dụng dầu diesel sang năng lượng xanh. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, trong số gần 2.000 xe buýt đang sử dụng, có 220 xe sử dụng năng lượng xanh, bao gồm 81 xe buýt điện; 139 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG). Số lượng xe buýt sử dụng dầu diesel chiếm tỷ trọng lớn với 89%.

Chuyển đổi sang phương tiện xanh

Xe buýt điện hiện đã được sử dụng tại một số tuyến của Hà Nội. Ảnh: VIỆT HÙNG

Tuy nhiên, để triển khai xe buýt điện, xe sử dụng năng lượng xanh tại Hà Nội cần phải giải quyết một số vấn đề phát sinh, trước hết là hiện chưa có quy chuẩn riêng cho xe buýt điện. Việc nhập khẩu, lắp ráp xe buýt điện sẽ mất thời gian và chi phí cao hơn so với các loại buýt thông dụng. Bên cạnh đó, để bảo đảm không hết điện, xe buýt điện hoạt động trong phạm vi 230-250km/lần sạc. Nhiều tuyến xe buýt đang hoạt động với phạm vi 250-300km/ngày cần bố trí trạm nạp điện bổ sung tại các bến. Để thực hiện sạc điện cho phương tiện cũng cần có sự hỗ trợ từ đơn vị điện lực trong việc cung cấp nguồn điện bảo đảm công suất, an toàn.

Lộ trình chuyển đổi theo đề xuất của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội sẽ áp dụng cho các tuyến xe buýt mở mới với yêu cầu sử dụng xe điện, năng lượng xanh. Giai đoạn 2023-2030 dự kiến có khoảng 4.800 xe, trung bình 600 xe mỗi năm. Đối với các tuyến buýt sẽ hết hạn gói thầu hiện tại vào năm 2025, phải đấu thầu lại, nếu phương tiện hoạt động hơn 10 năm phải thay xe mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Với xe chưa đến 10 năm sẽ cho phép sử dụng đến khi hết niên hạn, sau đó thay phương tiện mới theo đúng yêu cầu. Với lộ trình này, trong vài năm tới có khoảng hơn 1.700 xe buýt chuyển sang xe điện hoặc sử dụng các loại năng lượng thân thiện với môi trường, từng bước đáp ứng mục tiêu hạn chế khí thải, ô nhiễm từ phương tiện giao thông.

Nguồn: Báo QĐND