Ứng dụng công nghệ mới trong bảo trì đường bộ, giảm phát thải, thân thiện với môi trường
(Thứ năm, 19/12/2024 08:34 GMT+7)
Công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ giúp tận dụng vật liệu mặt đường cũ, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.
Nhiều lợi ích từ công nghệ mới
Hơn 10 năm qua, việc ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng và bảo trì đường bộ đã đạt được hiệu quả cao về mặt kinh tế - kỹ thuật - môi trường, góp phần thêm các giải pháp kỹ thuật mới (bên cạnh các giải pháp kỹ thuật truyền thống) cho từng hạng mục, dự án cụ thể, từ đó tiết kiệm tài nguyên, giảm khí phát thải nhà kính.
Công nghệ tái chế nguội tại chỗ được áp dụng trong bảo trì đường bộ
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ VN cho biết, trong xây dựng và bảo trì kết cấu áo đường, nổi bật có các công nghệ như: Công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ giúp tận dụng vật liệu mặt đường cũ, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, thân thiện với môi trường; công nghệ bê tông nhựa tái chế nóng; công nghệ bê tông nhựa ấm; công nghệ lớp phủ mỏng Microsurfacing trong bảo trì dự phòng mặt đường, giúp kéo dài tuổi thọ mặt đường.
Ngoài ra, còn có công nghệ mặt đường bán mềm áp dụng tại nút giao có nhiều xe tải nặng, các bến, bãi đỗ xe, bến cảng container và công nghệ vá sửa khẩn cấp ổ gà, lún lõm mặt đường trong mùa mưa bão bằng bê tông nhựa nguội phản ứng nước để đảm bảo giao thông.
Một số vật liệu mới cũng được ứng dụng như: Vật liệu nhũ tương nhựa đường a xít; vật liệu phụ gia tăng cường dính bám đá nhựa trong sản xuất bê tông nhựa; phụ gia tăng cường tính năng của bê tông nhựa chống hằn lún vệt bánh.
Các công nghệ mới, vật liệu mới liên quan đến bảo vệ mái dốc (taluy) đường bộ nổi bật phải kể đến: Lưới thép cường độ cao lắp đặt trên các mái dốc ta luy đá phong hóa; lưới thép xoắn kép có hoặc không gia cường cáp thép dùng để gia cố ổn định bề mặt mái dốc, chống đá lở, đá rơi; công nghệ neo đất SEEE bảo vệ, phòng chống sụt trượt sâu các mái dốc; vật liệu tấm phủ có chứa hạt cỏ giúp bảo vệ chống xói lở bề mặt ta luy đường bộ, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
"Ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng công trình, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa tác động của thiên tai đến hệ thống đường bộ. Có được điều này là do các đơn vị trong ngành đường bộ tăng cường ứng dụng công nghệ, vật liệu mới trong bảo dưỡng, duy tu, qua đó tăng tuổi thọ con đường, cây cầu và tiết kiệm được nguồn vốn bảo trì", ông Điệp nói.
Nâng cao hiệu quả vốn bảo trì
TS Nguyễn Đình Thạo, trường Đại học GTVT cho biết, công nghệ mới là một trong các giải pháp hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn bảo trì.
Nếu cách truyền thống khi xử lý mặt đường hư hỏng có nhược điểm làm nâng cao độ mặt đường, kéo theo phá vỡ các hạ tầng liên quan, thêm vào đó sẽ làm lãng phí nguồn tài nguyên… Với giải pháp tái chế sâu tại chỗ mật đường hư hỏng sẽ khắc phục được các nhược điểm trên. Đặc biệt, tái chế tại chỗ dùng xi măng, nhũ tương nhựa sẽ giúp lớp móng tái chế có cường độ cao, ổn định, bền vững.
Về tính kinh tế khi áp dụng công nghệ tái chế nguội tại chỗ, TS Nguyễn Đình Thạo chia sẻ, theo tính toán khi áp dụng công nghệ mới sẽ tiết kiệm từ 10-30% so với công nghệ truyền thống, tận dụng 100% vật liệu cũ, rút ngắn thời gian thi công.
Đặc biệt, để giảm thiểu tác động của mưa lũ đến hạ tầng đường bộ, ngoài các công nghệ nêu trên, nhiều loại công nghệ mới, vật liệu mới để nâng cao chất lượng công trình, bảo vệ môi trường và rút ngắn thời gian thi công đã được ứng dụng như: Xử lý hư hỏng dầm, trụ cầu bằng sợi thủy tinh, sợi carbon; sử dụng vật liệu carboncor Asphalt trong sửa chữa mặt đường; sử dụng xi măng làm mặt đường thay thế cho mặt đường thảm hoặc láng nhựa góp phần nâng cao tuổi thọ mặt đường trong điều kiện địa hình miền núi.
Trong bối cảnh nguồn vật liệu ngày càng khan hiếm, các chuyên gia cho rằng công nghệ mới sẽ giải quyết bài toán thiếu vật liệu xây dựng nền, mặt đường cũng như đáp ứng các yêu cầu mới về môi trường, về kinh tế tuần hoàn.
ThS Nguyễn Như Minh, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo trì đã từng bước đổi mới, ứng dụng thành công nhiều sản phẩm khoa học, kỹ thuật, sử dụng vật liệu tại chỗ, tận thu vật liệu, giảm ô nhiễm môi trường trong duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng.
Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã xây dựng từ nhiều năm trước ngày càng tốt hơn, khả năng chịu tác động của thiên tai, tải trọng lớn hơn với mật độ lưu lượng ngày càng tăng; tuổi thọ công trình được kéo dài, thời hạn cần sửa chữa lớn hoặc đầu tư xây dựng lại được đẩy lùi sang nhiều năm sau làm giảm chi phí đầu tư.
Tuy vậy, đại diện một doanh nghiệp làm công tác bảo trì đường bộ cho hay, còn một số khó khăn trong áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới hiện nay như: chưa có hướng dẫn đồng bộ về việc triển khai thí điểm, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật đối với các công nghệ mới, vật liệu mới để thuận lợi áp dụng trong thực tế tại Việt Nam; một số công nghệ mới, vật liệu mới lần đầu áp dụng chưa có định mức.