Nâng cao chất lượng sản phẩm và kiểm soát môi trường trong ngành Đóng tàu(Thứ năm, 05/08/2010 11:30 GMT+7)
Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, mức độ gây ô nhiễm môi trường của ngành Công nghiệp tàu biển luôn tỷ lệ thuận với lợi nhuận mà Ngành này mang lại. Nghĩa là, chúng ta càng đóng, sửa chữa được nhiều tàu, thu nhiều lợi nhuận thì chúng ta càng thêm gánh nặng về môi trường, vì hiện nay các phương án xử lý môi trường của ngành Công nghiệp tàu biển vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, mức độ gây ô nhiễm môi trường của ngành Công nghiệp tàu biển luôn tỷ lệ thuận với lợi nhuận mà Ngành này mang lại. Nghĩa là, chúng ta càng đóng, sửa chữa được nhiều tàu, thu nhiều lợi nhuận thì chúng ta càng thêm gánh nặng về môi trường, vì hiện nay các phương án xử lý môi trường của ngành Công nghiệp tàu biển vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Y tế Lao động và Trung tâm Y tế Giao thông vận tải khu vực duyên hải cho thấy: tình hình ô nhiễm môi trường lao động ở các đơn vị đóng tàu những năm gần đây gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm về bụi và tiếng ồn. Tỷ lệ người mắc các bệnh nghề nghiệp trong ngành Đóng tàu cao hơn nhiều so với các ngành nghề khác, chiếm 25% tổng số lao động, trong đó, số người mắc bệnh điếc nhiều nhất, tiếp theo là bệnh phổi do nhiễm bụi silíc. Bệnh “rung” nghề nghiệp cũng chiếm tỷ lệ cao. Các nhà máy đóng tàu tại Hải Phòng đang thực hiện các giải pháp kỹ thuật giảm ồn, bụi từ nguồn phát sinh bằng cách che chắn, cách ly nguồn phát sinh bụi, ồn; bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý, đầu tư thay đổi công nghệ, trang bị cho công nhân nút tai chống ồn, khẩu trang, mặt nạ đúng tiêu chuẩn. Các nhà máy tăng cường tuyên truyền để công nhân tự giác chấp hành nội quy phòng hộ; sắp xếp thời gian hợp lý để người lao động được nghỉ ngơi. Hàng năm các nhà máy tổ chức khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp và kiểm định vệ sinh môi trường lao động. Từ các nguyên nhân trực tiếp như vậy nên các công ty đóng tàu nhất thiết phải áp dụng về các yêu cầu quản lý môi trường và áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001.
Yêu cầu về quản lý môi trường và áp dụng ISO 14001
Sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp cả về số lượng và quy mô, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu đã có những tác động xấu đến môi trường và có nguy cơ gây ô nhiễm ngày càng cao. Trước thực trạng đó, để tăng cường công tác quản lý môi trường, năm 1993, Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, sau đó, nhiều văn bản dưới luật và các hướng dẫn về quản lý môi trường đã được ban hành. Trong đó, việc nghiên cứu áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000 sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động sản xuất và kinh doanh đạt được các yêu cầu bền vững về kinh tế, xã hội, chất lượng và tài nguyên thiên nhiên.
ISO 14001 là tiêu chuẩn nằm trong bộ tiêu chuẩn ISO 14000 quy định các yêu cầu đối với một Hệ thống quản lý môi trường. Các yếu tố của hệ thống được chi tiết hóa thành văn bản. Nó là cơ sở để cơ quan chứng nhận đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho cơ sở có hệ thống quản lý môi trường phù hợp với ISO 14000
Muốn xây dựng thành công hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000, việc đầu tiên của các doanh nghiệp là phải có sự cam kết và đưa ra một chính sách môi trường được toàn thể cán bộ công nhân viên và lãnh đạo nhất trí. Sự cam kết và chính sách này phải được thể hiện bằng văn bản, ở đó phải đề ra được những mục tiêu, mục đích, những quy trình, quy phạm cụ thể để giải quyết các vấn đề về môi trường. Hệ thống quản lý môi trường muốn hoạt động tốt và có hiệu quả thì phải được kiểm tra theo định kỳ để đánh giá đúng thực trạng của hệ thống, từ đó đưa ra các biện pháp bổ trợ, phòng ngừa và cải tiến, có khả năng đáp ứng được với những yêu cầu đặt ra trong chính sách môi trường của doanh nghiệp cũng như giải quyết được những vấn đề khẩn cấp về môi trường có liên quan đến doanh nghiệp.
Khác với quản lý chất lượng, quản lý môi trường thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, đối với xã hội. Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe cho con người, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên - làm cho đất nước phát triển bền vững. Vì vậy muốn xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000, lãnh đạo doanh nghiệp phải thực sự tự nguyện và thể hiện bằng sự cam kết của mình. Đối với một quốc gia thì sự cam kết đó thể hiện trong chính sách của Chính phủ về bảo vệ môi trường. Vì vậy, đòi hỏi các Công ty đóng tàu phải chú trọng đến cải tiến quy trình công nghệ để hài hòa giữa hai nhiệm vụ nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thải môi trường.
Nâng cao chất lượng sản phẩm trong công đoạn đóng tàu
a. Hoàn thiện công nghệ đóng tàu theo hướng áp dụng tự động hóa
Xuất phát từ thực trạng lạc hậu của các khâu trong công nghệ đóng tàu và thực tiễn tiếp cận các công nghệ mới từ nước ngoài, cũng như kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, các dự án mới hiện nay đã chọn các khâu công nghệ quan trọng nhất để hoàn thiện theo hướng áp dụng tự động hóa - đó là phóng dạng, hạ liệu (lập thảo đồ và cắt tôn), hàn tự động và bán tự động các chi tiết, phân đoạn và tổng đoạn.
b. Hoàn thiện công nghệ phóng dạng, công nghệ tự động cắt tôn vỏ tàu bằng máy cắt CNC
Mục tiêu của việc hoàn thiện các bước công nghệ này nhằm giảm hẳn khâu phóng dạng; hạ liệu thủ công đòi hỏi phải xây dựng sàn phóng theo tỷ lệ 1/1 chiếm diện tích mặt bằng lớn, tốn nhiều nhân công và thời gian của quá trình đóng tàu; tận dụng được tối đa thép tấm, tiết kiệm nguyên liệu nhờ công nghệ cắt thép tấm tối ưu (tỷ lệ phế liệu chỉ còn từ 6 đến 7%); ấn định trước góc vát mép hàn cho máy cắt CNC; xác định bệ khuôn xoay tối ưu trong không gian 3D cho phép thực hiện các công việc hàn, lắp thuận tiện và chất lượng, giảm được giàn dáo, nâng cao độ an toàn cho công nhân khi thi công. Cung cấp nhiều thông tin chi tiết và cần thiết cho quá trình công nghệ đóng tàu và quản lý sản xuất (các loại thép tấm với chiều dày khác nhau, các loại thép hình, số lượng que hàn, diện tích sơn, quy cách sơn... cần cấp cho phân xưởng để thi công một tổng đoạn). Và chất lượng sản phẩm áp dụng các công nghệ hoàn thiện trên phải được cơ quan Đăng kiểm chấp thuận.
Để đạt được các mục tiêu trên đây, các quy trình công nghệ chi tiết đã được tiến hành xây dựng, bao gồm: quy trình xây dựng tuyến hình 3D phục vụ phóng dạng; quy trình phóng dạng, hạ liệu kết cấu thân tàu bằng phần mềm shipconstructor; quy trình lấy dấu và ký hiệu chi tiết trên thảo đồ; hướng dẫn sử dụng phần mềm cắt tôn tấm; quy trình kiểm tra cắt tôn trên máy cắt CNC.
c. Hoàn thiện công nghệ hàn bán tự động và tự động
Trình tự hàn tự động và bán tự động được áp dụng trong quá trình hàn lắp kết cấu vỏ tàu từ các cụm chi tiết đến phân đoạn, tổng đoạn và đấu đà, bao gồm: hàn tự động và bán tự động trong các quá trình chế tạo hệ dầm vỏ tàu, hệ khung vỏ tàu, cụm chi tiết tấm vỏ, phân đoạn, tổng đoạn và đấu tổng đoạn; công nghệ chuẩn hàn tự động tổng đoạn; quy trình hoàn thiện để kiểm tra hàn.
d. Hoàn thiện các giải pháp đầu tư, tổ chức sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình áp dụng công nghệ tự động hóa
e. Giải pháp hoàn thiện tổ chức và quản lý sản xuất
Để phát huy hiệu quả áp dụng tự động hóa trong đóng tàu, mô hình tổ chức quản lý tại các Công ty đóng tàu đang được hoàn thiện. Đây là mô hình quản lý điều hành trực tuyến - chức năng, trong đó áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9002, sản phẩm được sản xuất theo công nghệ thiết lập đồng bộ từ khâu thiết kế thi công đến khi bàn giao sản phẩm.
f. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực.
g. Hiệu quả về khoa học công nghệ
- Trước kia, việc thiết kế và đóng tàu là hai khâu tương đối độc lập. Ngày nay, nhờ việc áp dụng công nghệ tự động hóa, quá trình thiết kế và đóng tàu trở thành một quá trình liên tục, khép kín. Đây là một sự đổi mới công nghệ quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Đóng tàu đã và đang được triển khai tại nhiều nhà máy.
- Việc triển khai dự án này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt công nghệ và chất lượng sản phẩm theo hướng quốc tế hóa, là cơ hội để đội ngũ cán bộ, kỹ sư trong ngành Đóng tàu tiếp cận, làm chủ và đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, qua đó nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý.
Kết luận
Tóm lại, nhờ việc hoàn thiện ứng dụng công nghệ tự động hóa trong thiết kế theo một quy chuẩn chất lượng nhất định cho nên các công đoạn thi công, hạ liệu, lắp ráp và hàn tự động kết cấu thép vỏ tàu… có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm thời gian giao tàu và hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước. Thông qua các dự án đóng mới, các công ty trong ngành Đóng tàu đã phát huy được tối đa năng suất của các thiết bị công nghệ mới làm tăng sản lượng và doanh thu hàng năm, cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của người lao động. Từ chỗ chỉ đóng được các tàu vận tải cỡ nhỏ, đến nay các công ty đóng tàu đã đóng mới được nhiều con tàu cỡ lớn có tính năng kỹ thuật cao.
Bên cạnh đó, phong trào sáng kiến nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới của ngành Công nghiệp tàu thủy đặc biệt phát triển ở các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thủy, nơi hoạt động sản xuất kinh doanh đang diễn ra sôi nổi.
Và việc áp dụng quản lý và kiểm soát môi trường tại các nhà máy đóng tàu đã được thực hiện đúng quy trình quy định của cơ quan quản lý môi trường địa phương cũng như trung ương.
Tạp chí HHVN