Hàng hải trong bối cảnh biến đổi khí hậu(Thứ sáu, 01/11/2013 11:32 GMT+7)

Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao là thách thức thời đại mà ngành hàng hải phải đối mặt, cần một chiến lược phát triển bền vững.


Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao là thách thức thời đại mà ngành hàng hải phải đối mặt, cần một chiến lược phát triển bền vững.
Trong những năm qua, công nghiệp tàu thủy nước ta đã có những bước tiến ngoạn mục. Trong tương lai gần, Việt Nam có thể đóng được tàu container 5.000 TEU, tàu chở hàng rời 150.000 DWT và tàu dầu 300.000 DWT. Đây là thành công lớn của ngành đóng tàu biển, mặt khác là tiền đề vững chắc để các ngành công nghiệp phụ trợ của công nghiệp đóng tàu phát triển nhanh, như chế tạo động lực, động cơ thủy, sản xuất nghi khí hàng hải, cơ khí chính xác, điện tử, vi mạch. Bên cạnh đó, nước ta cũng đã đào tạo được đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật với tay nghề, kỹ năng cao, đáp ứng sự nghiệp phát triển hàng hải theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng trên 1.600 tàu với tổng dung tích gần 4 triệu GT và 6 triệu tấn trọng tải (DWT), nhưng chỉ có 30% tàu ở tuổi 5 năm đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường hàng hải quốc tế, còn lại 70% là tàu cỡ nhỏ, già nua, lạc hậu và phần lớn thuộc chủ tư nhân, chỉ thích hợp với vận tải nội địa.
Hiện đội tàu của Việt Nam mới chỉ đảm nhận được gần 21% hàng hóa xuất nhập khẩu. Mặt khác, hậu cứ và cơ sở hạ tầng (cầu bến neo đậu để bảo dưỡng sửa chữa) đang thiếu nghiêm trọng.
Để phát triển vững chắc hàng hải Việt Nam trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, trước hết đội tàu biển phải thi hành nghiêm túc Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu gây ra (MARPOL 73/78), mục đích hạn chế tối đa phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Do đó, bắt buộc các chủ tàu sử dụng nhiên liệu đúng quy định, nghiên cứu chuyển dần sang việc sử dụng nhiên liệu sạch trong tương lai. Đi đôi với việc cơ cấu lại đội tàu biển quốc gia hợp lý, tức là loại dần tàu cũ, tàu gây nhiều ô nhiễm để hình thành đội tàu trẻ hiện đại, có sức cạnh tranh cao trên thị trường hàng hải thế giới.
Đối với hệ thống cảng biển, không nên xây dựng cảng mới ở những nơi chưa xác định được cao trình, chưa có thông tin chính xác về mực nước biển dâng. Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động vận tải biển của tàu trong và ngoài nước nhằm hạn chế tác động ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí. Các cảng biển nên sử dụng trang bị máy móc xếp dỡ ít gây ô nhiễm môi trường, có phương án bảo vệ những công trình bị nước biển uy hiếp để chủ động xử lý khi có sự cố.
Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trong những năm tới tập trung vào những cơ sở quy mô lớn, không bị đe dọa bởi nước biển dâng cao. Hạn chế tối đa phát triển ngành này ở vùng thấp trũng, vùng thường xuyên bị thiên tai; đồng thời chú trọng phát triển động cơ sạch, ít phát thải các loại khí gây ô nhiễm môi trường trong quá trình đóng mới các loại tàu; giải quyết tốt khâu thu gom, xử lý chất thải công nghiệp trong các nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển, nhất là những chất độc hại và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nguồn: TTXVN