Nhập khẩu và phá dỡ tàu biển cũ – tránh ô nhiễm môi trường (Thứ tư, 06/07/2016 09:49 GMT+7)
Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ tiềm ẩn những mặt bất lợi ảnh hưởng đến môi trường nếu không có sự kiểm soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo quy định hiện hành, việc mua bán, đăng ký tàu cũ từ nước ngoài được thực hiện theo Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Theo đó, tàu biển mua, bán, đăng ký lần đầu tại Việt Nam không quá 10 tuổi đối với tàu khách và không quá 15 tuổi đối với loại tàu biển khác. Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định rõ việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Các văn bản dưới Luật cũng quy định rõ đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Như Nghị định 114/2014/NĐ-CP ngày 26-11-2014 quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ, cơ sở nào đáp ứng được môi trường, điều kiện đảm bảo mới được phép thực hiện thí điểm.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Thông tư về bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển và quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu. Trong đó có các quy định khi tiến hành phá dỡ từng tàu biển, chủ cơ sở phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trong phá dỡ trình cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét phê duyệt trước khi tiến hành phá dỡ với các yêu cầu cụ thể về: Kế hoạch thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại; biện pháp xử lý nước thải, chất thải lỏng và khí thải; phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường chặt chẽ về các biện pháp phá dỡ, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và quản lý các chất thải phát sinh trong quá trình phá dỡ.
Bên cạnh hàng rào luật pháp được lập ra nhằm hạn chế ảnh hưởng của việc phá dỡ tàu biển cũ thì các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không làm nghiêm và giám sát chặt, sau này tiền bỏ ra xử lý hậu quả môi trường còn tốn hơn gấp nhiều lần lợi ích thu được trước mắt.