Quản lý môi trường Hàng không - Đừng để quá muộn(Thứ bẩy, 23/10/2010 14:47 GMT+7)
Tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng cao của ngành Hàng không, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ lượng rác thải, khí thải, tiếng ồn của máy bay cũng ngày càng tăng lên. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời, môi trường sẽ hứng chịu những tác động nghiêm trọng.
Tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng cao của ngành Hàng không, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ lượng rác thải, khí thải, tiếng ồn của máy bay cũng ngày càng tăng lên. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời, môi trường sẽ hứng chịu những tác động nghiêm trọng.
Ô nhiễm tập trung tại cảng lớn
Giống các ngành kinh tế khác, hoạt động hàng không dân dụng cũng tạo ra những ô nhiễm môi trường đặc trưng. Đó là sự ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, chất thải... Báo cáo Quản lý môi trường hàng không từ Cục Hàng không VN cho biết, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu tập trung tại các cảng hàng không (CHK) có tần suất bay cao và nhiều dịch vụ cung ứng phụ trợ.
Ở miền Bắc là Cảng HKQT Nội Bài, miền Trung là Cảng HKQT Đà Nẵng và miền Nam là Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, rất đáng mừng là khảo sát tính đến năm 2010, các chỉ số về môi trường vẫn ở mức cho phép.
Hiện nay, tại Việt Nam, khí thải và tiếng ồn phát sinh từ các hoạt động của ngành Hàng không chưa có những tác động lớn đến môi trường. Các tàu bay phần lớn đều tuân thủ theo các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới. Nguồn ồn khí thải từ các phương tiện hoạt động trên khu bay đều theo tiêu chuẩn tiếng ồn EURO2, đủ tiêu chuẩn để được Cục Hàng không VN cấp phép hoạt động. Các phương tiện vận chuyển mặt đất trong khu vực CHK cũng thường được định kỳ sửa chữa, bảo dưỡng nhằm hạn chế phát thải tiếng ồn và khí thải ra môi trường xung quanh.
Về nguy cơ ô nhiễm từ nước thải, Cục Hàng không VN đã kiểm tra cụ thể tại Cảng HK Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, kết quả cho thấy các hệ thống đều tương đối đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, có điều cần cảnh báo là các Cảng HK-SB chưa có hệ thống xử lý nước thải chung, các hệ thống thoát nước vẫn còn chắp vá, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Với nhiều doanh nghiệp phân tán trên một khu vực rộng lớn nên xảy ra tình trạng các doanh nghiệp có nước thải công nghiệp thì được đầu tư xây dựng các trạm xử lý nhỏ, các doanh nghiệp còn lại chỉ xử lý nước thải sinh hoạt qua bể tự hoại sau đó đưa đổ vào các mương thoát nước. Và thực tế là tại các CHK địa phương 100% hệ thống xử lý nước thải là tự hoại.
Qua khảo sát, việc quản lý thu gom vận chuyển chất thải rắn tại các CHK hiện nay đều được các cảng ký hợp đồng với các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực này.
Vì mục tiêu môi trường thân thiện
Ngành Hàng không dân dụng VN (HKDDVN) trong nhiều năm qua đã không ngừng phát triển cả về cơ sở hạ tầng với quy mô lớn và công nghệ hiện đại đến việc tăng số lượng máy bay thương mại với những chủng loại máy bay hiện đại đủ sức để đáp ứng tiến trình hội nhập và mở cửa.
Tuy nhiên, sự phát triển này khiến tần suất bay dày hơn, nhiều hành khách, hàng hóa thông qua cảng hơn, người lao động phục vụ tại cảng cũng lớn hơn dẫn tới những nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cao.
Theo dự báo, trong năm nay sẽ có hơn 30 triệu lượt khách thông qua các cảng hàng không trong cả nước. Đây là một áp lực rất lớn tới công tác bảo vệ môi trường hàng không. Hiện nay, một triết lý kinh doanh được đặt ra cho các cảng hàng không sân bay lớn là “con người thân thiện” vì “môi trường thân thiện”. Đây được coi như một tiêu chí cho tất cả hoạt động, hành động hiện tại và trong tương lai của ngành Hàng không nhiều nước trên thế giới.
Bảo vệ môi trường luôn được coi là vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành Hàng không nhằm hướng tới một ngành Hàng không năng động và phát triển bền vững.
Các ưu tiên bảo vệ môi trường trong ngành Hàng không là hạn chế tác động xấu của hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cảng hàng không đến môi trường; Đảm bảo chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mỹ quan khu vực với mục tiêu ngăn chặn về tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường; Đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức khỏe người lao động và chất lượng cuộc sống của dân cư xung quanh khu vực các cảng hàng không sân bay.
Nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường, ngành Hàng không đã xây dựng một chương trình hành động triển khai trong toàn Ngành nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14/2008 của Bộ GTVT, đồng thời xây dựng các giải pháp về cơ chế chính sách, về quản lý và các giải pháp về kỹ thuật, ban đầu đã thu được những kết quả khả quan.
Bảo vệ môi trường trong quản lý, khai thác cảng hàng không Ngày 30/6/2010, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. Thông tư quy định rõ: Các dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay phải được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai dự án theo quy định của pháp luật; Việc khai thác cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về hàng không dân dụng, các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Người khai thác cảng hàng không, sân bay; tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay có nghĩa vụ thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, thực hiện phòng, chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trong phạm vi mình quản lý, chịu trách nhiệm về những hành vi gây tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật; Người khai thác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm chung về quản lý và bảo vệ môi trường tại cảng hàng không sân bay và có các trách nhiệm cụ thể theo thông tư này; Chỉ các công ty thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải đã được cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải tại cảng hàng không, sân bay; Các chất thải rắn, lỏng, khí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh phải được kiểm soát từ lúc xả thải, thu gom, vận chuyển và xử lý; không vứt, đổ chất thải bừa bãi trong khu vực cảng hàng không, sân bay và khu dân cư lân cận. Các nhà hàng phải có biện pháp khử, hút mùi, không để mùi đồ ăn lan sang các khu vực xung quanh; Sử dụng hóa chất diệt côn trùng trên tàu bay phải theo danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng do Bộ Y tế quy định; Các máy soi chiếu hành lý, hàng hóa hoạt động phải được kiểm tra về bức xạ và được cấp phép hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị thân thiện với môi trường; Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay...
Trần Tiềm (Theo báo GTVT)