EU tạm ngưng kế hoạch thu thuế cácbon ngành hàng không(Thứ năm, 28/02/2013 07:44 GMT+7)
Ngày 26/2, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch miễn một số loại thuế cácbon đối với các hãng hàng không trong khi chờ đợi một thỏa thuận quốc tế về vấn đề vốn lâu nay vẫn gây tranh cãi giữa châu Âu và Mỹ.
Ngày 26/2, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch miễn một số loại thuế cácbon đối với các hãng hàng không trong khi chờ đợi một thỏa thuận quốc tế về vấn đề vốn lâu nay vẫn gây tranh cãi giữa châu Âu và Mỹ.
Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua đề nghị đình chỉ Kế hoạch Buôn bán Khí thải cácbon (gọi tắt là ETS) của EU cho các chuyến bay liên lục địa trong vòng một năm như thông báo hồi tháng 11 năm ngoái của Ủy ban châu Âu (EC). Các nghị sĩ châu Âu nhấn mạnh rằng sự ủng hộ của họ tùy thuộc vào tiến bộ của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) trong việc thống nhất các biện pháp toàn cầu liên quan đến việc giải quyết vấn đề thải khí điôxít cácbon (CO2), "thủ phạm" chính khiến Trái Đất ấm lên. Các nghị sĩ nhấn mạnh họ muốn có một giải pháp quốc tế cho vấn đề gây tranh cãi dai dẳng này.
Năm ngoái, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề môi trường, bà Cônni Hêđêgát (Connie Hedegaard) đã ngừng kế hoạch đánh thuế cácbon đối với các chuyến bay đến và đi từ các nước ngoài châu Âu sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Oasinhtơn (Washington) và Bắc Kinh.
Ngày 1/1/2012, EU đã đơn phương thực hiện cơ chế giao dịch khí thải cácbon, theo đó các hãng hàng không không thuộc EU được yêu cầu nộp thuế theo lượng khí cácbon thải ra khi sử dụng các sân bay của EU. Theo quy định của ETS, tất cả các hãng hàng không thực hiện chuyến bay đến các nước thuộc khu vực EU phải mua lại 15% lượng khí thải CO2 của họ. Hãng nào không chấp hành sẽ phải nộp phạt 100 ơrô (euro) cho mỗi tấn CO2 và bị cấm bay trên không phận EU. Quyết định áp thuế của EU đã bị 26 trong tổng số 36 thành viên của ICAO phản đối quyết liệt (đứng đầu là Mỹ và Trung Quốc), coi đó là một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Nguồn: TTXVN