Khí cầu vận tốc 280 km/h không thải khí carbon (Thứ sáu, 17/12/2021 07:58 GMT+7)

Khí cầu H2 Clipper có thể là giải pháp xanh để thay thế máy bay và tàu chở hàng với trọng tải lớn và phạm vi bay hơn 9.650 km.


Khí cầu hydro của H2 Clipper có thể chở 150.000 kg hàng hóa. Ảnh: H2 Clipper

H2 Clipper, startup có trụ sở tại bang California, Mỹ, muốn "hồi sinh" các khí cầu chứa đầy hydro với vai trò là phương tiện vận chuyển khối lượng lớn. Điểm khác biệt mấu chốt là chúng sẽ không chở người mà chỉ chở hàng, Interesting Engineering hôm 15/12 đưa tin.

Startup này muốn khởi động một mạng lưới hàng hóa xanh trên toàn cầu bằng cách tận dụng sự sẵn sàng thử nghiệm các hình thức vận chuyển thay thế của thế giới sau khi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố báo cáo biến đổi khí hậu nghiêm trọng năm 2021.

H2 Clipper khẳng định khí cầu chở hàng của mình có thể vận chuyển khối lượng hàng gấp 8 - 10 lần những chiếc máy bay chở hàng tốt nhất với mức giá chỉ bằng 1/4. Nó có trọng tải khoảng 150.000 kg với không gian chở hàng 7.500 m3.

Khí cầu của H2 Clipper di chuyển với vận tốc 280 km/h, đồng nghĩa nhanh gấp gần 10 lần tàu chở hàng thông thường nhưng chậm hơn nhiều so với máy bay chở hàng. Ưu điểm chính của nó so với máy bay là không thải ra carbon.

Phương tiện vận chuyển mới sẽ chạy bằng khí hydro thông qua một pin nhiên liệu với hệ thống đẩy sử dụng điện hoàn toàn. Với phạm vi bay hơn 9.650 km, nó có thể kết nối hai điểm bất kỳ trên Trái Đất mà chỉ cần một điểm dừng để tiếp nhiên liệu.

Về chi phí vận chuyển, H2 Clipper cho biết, mức giá sẽ rơi vào khoảng 0,177 - 0,247 USD một tấn mỗi dặm (1 dặm bằng khoảng 1,6 km) với quãng đường 1.600 - 9.650 km. Mức giá này đắt hơn so với vận chuyển bằng tàu thủy. Tuy nhiên, ngành vận tải biển nhiều khả năng sẽ bị đánh thuế carbon rất cao trong những năm tới do các nước hướng đến mục tiêu giảm khí thải.

Khí cầu cũng có thể giúp giảm bớt một phần công việc về logistics so với vận chuyển bằng tàu thủy và máy bay vì phương tiện này có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng. Đầu năm nay, công ty Nga Aerosmena cũng hé lộ kế hoạch phát triển khí cầu chở hàng cỡ lớn không đòi hỏi cơ sở hạ tầng đồ sộ dưới mặt đất.

Vấn đề đặt ra là liệu các công ty như H2 Clipper và Aerosmena có thể thay đổi sự lo ngại của thế giới về khí cầu hydro sau thảm họa Hindenburg năm 1937 và lấy được giấy phép bay trong những năm tới hay không. Theo H2 Clipper, ít nhất phương pháp vận chuyển hàng hóa hoàn toàn không phát thải sẽ cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nguồn: VNE