Máy bay hydro lập kỷ lục bay cao 2.203 m
(Thứ năm, 02/06/2022 13:35 GMT+7)
Máy bay hydro 4 chỗ của startup Đức lập kỷ lục thế giới về độ cao, đồng thời hoàn thành chuyến bay đầu tiên giữa hai sân bay thương mại.
Máy bay 4 chỗ HY4 được sử dụng làm phương tiện thử nghiệm
để phát triển các hệ thống đẩy hydro của H2FLY. Ảnh: H2FLY
H2FLY, startup hàng không có trụ sở tại Stuttgart, Đức, thông báo rằng máy bay HY4 của hãng đã bay lên độ cao 2.203 m, lập kỷ lục thế giới về độ cao với chuyến bay bằng pin nhiên liệu hydro. Quãng đường bay dài 124 km, khởi hành từ Stuttgart và kết thúc tại Friedrichshafen hôm 12/4. Đây cũng là lần đầu tiên loại máy bay đặc biệt này thử nghiệm di chuyển giữa hai sân bay thương mại.
"Đây là một thành tựu đáng chú ý với H2FLY vì chưa có máy bay hydro chở khách nào hoạt động giữa hai sân bay thương mại cho đến nay. Chúng tôi cũng tin rằng mình đã lập kỷ lục thế giới mới khi đạt độ cao hơn 2.000 m với máy bay HY4 và rất vui mừng", giáo sư Josef Kallo, đồng sáng lập kiêm CEO của H2FLY, chia sẻ.
Theo Claus-Dieter Wehr, giám đốc điều hành Sân bay Friedrichshafen, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn một trăm năm của sân bay này có một chiếc máy bay hydro hạ cánh trên đường băng. "Chúng tôi rất vui vì có thể góp phần vào việc phát triển và thử nghiệm động cơ đẩy hydro-điện", ông nói thêm.
HY4 là loại máy bay 4 chỗ ngồi chạy bằng pin nhiên liệu hydro, trong đó hydro phản ứng với oxy và được chuyển đổi thành điện và nước. Do đó, chất thải duy nhất là nước, không gây hại như khí carbon của ngành hàng không truyền thống.
H2FLY do 5 kỹ sư tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức và Đại học Ulm thành lập vào năm 2015. Mục tiêu chính của công ty là tung ra thị trường hệ thống truyền động máy bay chạy hoàn toàn bằng hydro-điện đủ tiêu chuẩn đầu tiên, giúp khai thác những chuyến bay không phát thải.
Theo H2FLY, HY4 đã trở thành máy bay chở khách chạy bằng hydro-điện đầu tiên trên thế giới khi lần đầu cất cánh vào năm 2016. Các nhà sáng lập tin rằng máy bay hydro-điện sẽ chở được 40 hành khách vượt qua quãng đường 2.000 km trong vài năm tới.
Hãng hàng không Airbus cũng đang đặt mục tiêu trang bị hệ thống truyền động hydro cho máy bay A380 khổng lồ để thử nghiệm công nghệ này. Airbus cùng H2FLY đang góp phần vào nỗ lực chung của ngành hàng không nhằm giảm lượng khí thải carbon. Ngành hàng không hiện chiếm khoảng 2% tổng lượng khí thải trên thế giới.
HY4 sẽ hoạt động như một phương tiện thử nghiệm cho H2FLY. Hãng này hướng đến việc phát triển hệ thống đẩy hydro cho loại máy bay lớn hơn. H2FLY hiện đã hợp tác với Deutsche Aircraft để phát triển một chiếc Dornier 328 với 40 chỗ ngồi chạy bằng hydro-điện vào năm 2025.