Nỗi lo ô nhiễm từ tàu du lịch (Thứ tư, 07/09/2022 08:32 GMT+7)

Sau nhiều tháng vắng bóng vì đại dịch Covid-19, sự xuất hiện trở lại của các tàu du lịch khổng lồ với số du khách kỷ lục lại làm dấy lên mối lo ngại về ô nhiễm môi trường của loại hình du lịch này.


Tàu du lịch Valiant Lady

Ngày 18/7 vừa qua là một trong những ngày nắng nóng kỷ lục ở Pháp nói chung và TP Marseille nói riêng, kèm theo đó là báo động ô nhiễm ozone cấp độ 2 ở thành phố miền Nam nước Pháp. Trong khi chỉ một số loại xe hơi đáp ứng tiêu chuẩn mới được phép lưu thông ở trung tâm, thì từ ống khói của tàu du lịch Valiant Lady bốc lên không trung một cột khói đen trong nhiều giờ đồng hồ, khiến chính quyền và người dân nổi giận.

Thị trưởng TP Marseille Benoit Payan gọi đó là “sự khiêu khích quá đà” của những gã khổng lồ trong ngành du lịch biển, đẩy sức khỏe của hàng ngàn cư dân Marseille vào nguy hiểm. Nhiều nghị sĩ và cư dân địa phương đã khởi kiện tàu du lịch Valiant Lady vì gây ô nhiễm trên biển và làm trái với quy định.   

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng lên hồi năm 2020, mỗi năm có tới 2 triệu lượt khách đi du lịch bằng tàu biển ghé vào thăm thành phố. Lợi ích kinh tế đối với thành phố thì có, nhưng theo Phó Thị trưởng chuyên trách du lịch Laurent Lhardit, lợi ích kinh tế do nhóm du khách này mang lại không đáng kể so với những thiệt hại cho môi trường. Mỗi con tàu như “một thành phố với 6.000-8.000 dân”, nên nhu cầu năng lượng của tàu rất cao, gây sức ép về môi trường. Trong khi đó, thời gian tàu dừng ở cảng để khách lên bờ đi tham quan là quá ngắn và đa phần du khách vẫn ở lại trên boong tàu nên cũng không đóng góp được nhiều cho kinh tế Marseille.  

Tuy nhiên, Marseille không phải nơi đầu tiên và duy nhất ở Pháp, mà cả châu Âu phản đối các tàu du lịch biển. Jacky Bonnemains, phát ngôn viên Tổ chức bảo vệ môi trường Robin des Bois, cho biết sự phản đối khởi đầu ở Barcelona, Tây Ban Nha, do có quá nhiều điểm dừng cho tàu gây ô nhiễm không khí khi các con tàu neo ở cảng. Rồi sau đó, làn sóng phản đối lan sang vùng Địa Trung Hải, lan đến các TP Venice (Italy), Marseille và Nice (Pháp), rồi ngày càng lan đến nhiều cảng như TP Cherbourg hay Le Havre của Pháp, nơi có rất nhiều điểm dừng cho những con tàu khổng lồ, đặc biệt các chuyến ghé thăm khu vực từng là nơi đổ bộ lên bờ biển vùng Normandy trong Thế chiến II.

Gây ô nhiễm chính là lý do khiến các chuyến tàu du lịch biển bị nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cũng như cư dân nhiều điểm đến du lịch phản đối dữ dội. Nhà xã hội học Alain Adrien Grenier từng cho biết, chỉ riêng Carnival, một trong những công ty du lịch bằng tàu biển lớn nhất, hồi năm 2017 đã gây ô nhiễm không khí gấp 10 lần so với 260 triệu xe hơi được sử dụng tại châu Âu. 

“Các tàu du lịch ngày càng lớn hơn, chở ngày càng nhiều người hơn và đã gây ra nhiều kiểu ô nhiễm. Trước hết là về nước thải sau khi tắm rửa, giặt đồ, vệ sinh. Lượng nước thải từ các hoạt động nói trên (nước thải xám - không chứa chất thải của người và nước thải đen - có chứa chất thải của người) có thể lên tới khoảng 2 triệu lít/ngày”, Jacky Bonnemains nói. 

Ngoài ra, còn có một nguồn ô nhiễm khác đang bị chỉ trích là ô nhiễm không khí. Hiện nay, một con tàu du lịch lớn có thể chở 8.000 người, gồm thành viên phi hành đoàn và hành khách. Khi tàu neo ở cầu cảng, các khí gây ô nhiễm được thải qua các ống khói nhiều, tương ứng với mức ô nhiễm do khoảng 50.000 xe hơi gây ra. Chưa kể, đó còn là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên tàu. Chính vì vậy, ngày càng nhiều cảng phản đối các con tàu du lịch này.

Nguồn: Báo SGGP