Hòa mình vào thiên nhiên khi đến sân bay Long Thành
(Chủ nhật, 01/09/2024 20:30 GMT+7)
Sân bay Long Thành khi đưa vào khai thác được kỳ vọng không chỉ là một công trình giao thông tầm cỡ, mà còn là một biểu tượng của kiến trúc xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Thiết kế Cảng hàng không quốc tế Long Thành
với nhiều mảng xanh, tận dụng ánh sáng tự nhiên (Ảnh: Báo Giao thông)
Theo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), công trình được thiết kế theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường và tiết kiệm năng lượng. Kiến trúc nhà ga hành khách lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để tối ưu hóa việc sử dụng ánh sáng tự nhiên. Mái nhà ga, các khu vực nội thất được thiết kế với các vật liệu có khả năng cách nhiệt, phản xạ ánh sáng, giảm thiểu sử dụng năng lượng điện.
Ông Dương Quang Điện, Phó giám đốc thường trực Ban Quản lý dự án Long Thành thông tin, một điểm nổi bật của sân bay Long Thành là sự kết hợp giữa không gian kiến trúc và thiên nhiên. Sân bay sẽ có các khu vực trồng cây xanh dọc theo hành lang, các khu vực nghỉ ngơi, giúp tạo ra một môi trường thư giãn cho hành khách.
Ngoài ra, một thác nước lớn sẽ được bố trí trong khu vực nhà ga, không chỉ làm đẹp không gian mà còn tạo cảm giác dễ chịu, mát mẻ cho hành khách trong thời gian chờ máy bay. Các phương tiện vận hành trong sân bay sẽ hướng đến sử dụng xe điện.
"Sau này có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm đi qua, sẽ khuyến khích hành khách đi phương tiện công cộng, hướng đến giao thông xanh, bền vững", ông Điện nói.
Ông Dương Quang Điện cho biết, sân bay Long Thành sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), là một cảng hàng không thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái về bảo vệ môi trường (Eco Airport).
Long Thành được kỳ vọng là một sân bay với nhiều tính năng
hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hướng đến mô hình
sân bay xanh, bền vững (Ảnh: Báo Giao thông)
Tại khu vực check-in sẽ sử dụng toàn bộ máy móc thay cho nhân viên để làm thủ tục hành khách, hành lý, quản lý an ninh, xuất nhập cảnh.
Hệ thống sẽ nhận dạng hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay). Điều này sẽ giúp hành khách làm các thủ tục nhanh hơn, hạn chế tiếp xúc với nhân viên sân bay như trước.
Đặc biệt, hệ thống công nghệ nhận dạng thông tin bằng tần số vô tuyến, kết nối để tự động xác định, theo dõi bằng các thẻ nhận dạng gắn vào hành lý, thiết bị. Hành khách có thể tự gửi hành lý mà không cần phải nhờ đến nhân viên.
Trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, hệ thống AI sẽ nhận diện đối tượng trong danh sách cấm bay, đối chiếu và đưa vào các cảnh báo kịp thời. Bên cạnh đó, một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung sẽ được thiết kế để lưu trữ thông tin giao tiếp cho toàn bộ cảng, bao gồm hệ thống thiết bị kỹ thuật nhà ga, đài kiểm soát không lưu, thông tin dẫn đường, hướng dẫn cất/hạ cánh.
AI cũng sẽ giúp đơn vị khai thác phân tích các dữ liệu về chuyến bay, thời tiết, giám sát an ninh để xây dựng chương trình kiểm soát, quản lý rủi ro, dự đoán và lập kế hoạch bay, điều phối, phân chia khai thác.
Đến nay, sân bay Long Thành đã qua trên 1.200 ngày xây dựng. Các hạng mục chính là nhà ga hành khách, đường cất/hạ cánh, đường lăn sân đỗ, đường giao thông kết nối T1, T2 đã nên hình hài.
Từ Quốc lộ 51, men theo tuyến đường công vụ dài hơn 4km - tuyến đường T1 (sau này kết nối trực tiếp vào sân bay Long Thành), PV ghi nhận nhà thầu đã hoàn thành đắp đất K95, K98. Nhờ thế, việc vận chuyển thiết bị vào thi công nhà ga, đường cất/hạ cánh bên trong sân bay rất thuận lợi.
Dù thi công trễ hơn các hạng mục khác vì vướng mặt bằng, nhưng khi tiếp nhận công địa, nhà thầu đã huy động nhân sự, máy móc triển khai đồng loạt. Tuyến T2 cũng đang rải cấp phối đá dăm. Một số vị trí cầu đã xong phần khoan cọc nhồi, thi công mố trụ.
Ông Cao Ngọc Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, nhiều tháng nay, thời tiết thường xuyên mưa nên thi công gặp khó hơn, khối lượng hiện đạt hơn 45%.
"Trong đó, tuyến T1 đã thông vào tận cổng công trường nhà ga. Theo kế hoạch đến tháng 12/2025 hoàn thành, nhưng chúng tôi đang nỗ lực xong vào dịp 2/9/2025, vượt 4 tháng", ông Nam nói.
Đứng trước cổng số 1 công trường nhà ga, trước mắt chúng tôi là siêu công trình với những khối bê tông, sắt thép khổng lồ. Nhà ga hành khách hiện ra với hình ảnh hoa sen cách điệu có nhiều cánh chia ra các hướng.
Ông Dương Quang Điện cho biết, có hơn 6.000 kỹ sư, công nhân, cán bộ cùng hàng ngàn máy móc, phương tiện, trang thiết bị phục vụ thi công.
Nhà ga hành khách đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, dầm sàn lầu 1, lầu 2. Có một số khu vực đã cất nóc.
"Với tiến độ này, dự kiến sẽ hoàn thành thi công toàn bộ hạng mục kết cấu bê tông cốt thép vào tháng 8-9/2024 để bắt đầu tiến hành lắp dựng kết cấu thép mái", ông Điện cho biết.
Được biết, Dự án sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 vốn thực hiện là 5,45 tỷ USD, công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, dự kiến khai thác năm 2026.
Giai đoạn 2 dự kiến triển khai từ năm 2028-2032, công suất 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sau năm 2035, công suất 100 triệu lượt khách/năm.
PV (TH)