"Xanh hóa" cảng biển để phát triển bền vững(Thứ sáu, 04/03/2022 11:47 GMT+7)

Sự phát triển của cảng biển trong thời gian qua đã đem lại nhiều đóng góp về phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác cảng biển cũng có thể sẽ tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, phát triển cảng biển theo hướng thân thiện với môi trường là mục tiêu mà các DN luôn hướng tới.


Cảng TCIT xây dựng và khai thác cảng biển theo mô hình “xanh hóa”. Trong ảnh: Toàn cảnh Cảng TCIT.

Cảng TCIT xây dựng và khai thác cảng biển
theo mô hình “xanh hóa”. Trong ảnh: Toàn cảnh Cảng TCIT.

Năm 2021, cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã được Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC (APSN) trao giải thưởng Cảng xanh 2020 và trở thành cảng thứ 2 của Việt Nam sau Tân Cảng Cát Lái nhận được danh hiệu này (năm 2017). Chương trình Hệ thống Cảng xanh là hệ thống đánh giá các tiêu chí về cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch… cho các cảng do Mạng lưới dịch vụ cảng APEC (APSN) phát triển và được thiết kế để phù hợp với tất cả các cảng trong khu vực APEC.

Để đạt được thành tích đó, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, TCIT đã đầu tư hệ thống trang thiết bị được hoạt động hoàn toàn bằng điện như: cẩu bờ, cẩu bãi, giúp giảm thiểu lượng khí thải CO2 thay vì thiết bị hoạt động bằng dầu diesel. Thêm vào đó, TCIT luôn không ngừng đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và bảo vệ môi trường; thay thế, sử dụng bóng đèn LED trên toàn bộ hệ thống cẩu bờ, cẩu bãi; phát triển hệ thống lọc sóng hài để bảo đảm hệ thống điện lưới ổn định, tận dụng nguồn điện dư thừa từ cẩu bờ để làm năng lượng sử dụng cho văn phòng, bãi container và hệ thống điện bãi…

Tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng với mục tiêu xây dựng cảng xanh hiện đại, Gemalink đã đầu tư những trang thiết bị hiện đại gồm 8 cẩu STS, 18 cẩu RTG, giàn cẩu phục vụ tàu Feeder, xe nâng và các trang thiết bị làm hàng tối tân khác. Thế hệ cẩu E-RTG của Gemalink sử dụng 100% điện lưới (Full electric), được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát tải linh hoạt và cabin điều khiển thông minh cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng CATOS hiện đại. Nhờ đó, Gemalink là một trong những điểm đến thu hút các hãng tàu bởi các tiêu chí phát triển xanh, giảm tối đa ảnh hưởng đến môi trường trong hoạt động.   

Đánh giá từ Bộ GT-VT cho thấy, xu hướng phát triển cảng xanh tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã và đang được nhiều DN cảng biển thực hiện trong nhiều năm qua, đúng với định hướng của Chính phủ về việc nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển, khai thác cảng biển cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế của các cảng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đồng thời phù hợp với chủ trương phát triển bền vững, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường của BR-VT.

Yêu cầu bắt buộc

Theo ước tính, những dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách và hàng hóa tại cảng biển đang vận chuyển khoảng 20% ​​lượng chất thải trên toàn cầu đổ ra biển. Cảng càng bận rộn, nguy cơ ô nhiễm ở các cảng đó càng cao, tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường.  

Trước những vấn đề môi trường đang đặt ra trong khai thác cảng biển, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế. Theo đó, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai “Xây dựng đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam”. Đề án hiện đã được Bộ GTVT phê duyệt và giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và các DN cảng biển triển khai thực hiện.

Chia sẻ về kinh nghiệm “xanh hóa” cảng biển, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị sở hữu Cảng TCIT) cho rằng, TCIT đã tập trung vào các tiêu chí như: Tiết kiệm nguồn tài nguyên; chất lượng môi trường cảng; sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, ứng dụng công nghệ 4.0… Những tiêu chí đó được cụ thể hóa thông qua các hoạt động như: Thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 Teus (thay thế được khoảng 2.000 xe ô tô chở container); áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút, triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000-50.000 tờ/ngày; trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông…

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, “xanh hóa” cảng biển hiện đang là xu hướng chung của các tỉnh, thành phố và BR-VT nói riêng, bởi cắt giảm khí thải tại cảng biển không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế biển mà còn góp phần bảo đảm cho các DN có cơ hội đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường. Với chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên biển, hải đảo; Sở TN-MT đã tăng cường công tác kiểm soát môi trường khu vực cảng biển. Cụ thể, đã triển khai thực hiện quan trắc hiện trường, lấy mẫu phân tích định kỳ khí H2S tại các bến cảng và nước mặt với tần suất 6 lần/năm tại 10 vị trí trên vùng nước sông Thị Vải và thực hiện quan trắc hạ lưu dòng Thị Vải 12 lần/năm.

“Nhằm góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng cảng biển xanh, Sở TN-MT tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát các nguồn thải; phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN để thực hiện tiến trình phát triển “cảng xanh”; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển; tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…”, ông Nguyễn Văn Hải cho biết thêm.

Cảng xanh tại Việt Nam được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính (tập trung chủ yếu vào các cảng tổng hợp và cảng contianer) với thang điểm cụ thể, gồm: Nhận thức về cảng xanh (điểm tối đa 5 điểm); Sử dụng tài nguyên (điểm tối đa 15 điểm); Quản lý chất lượng môi trường (điểm tối đa 50 điểm); Sử dụng năng lượng (điểm tối đa 15 điểm); ứng dụng công nghệ thông tin (điểm tối đa 5 điểm); Giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (điểm tối đa 10 điểm). Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được tối thiểu 60% số điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm tối thiểu 60/100 điểm); đồng thời, DN phải có tài liệu chứng minh cho việc thực hiện từng tiêu chí.  

Nguồn: Báo BR-VT