Hiểm họa từ chất lượng không khí(Thứ hai, 18/04/2022 09:30 GMT+7)

Các nhà khoa học của Liên hợp quốc vừa “gióng lên hồi chuông” cảnh báo 99%  số dân thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm vượt quá giới hạn được xem là an toàn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gây ra phần lớn lượng khí thải độc hại có liên quan nhiều bệnh cấp tính và mãn tính.


Chỉ số chất lượng không khí dựa trên hàm lượng bụi mịn PM2.5. (Ảnh minh họa của EPA)

Ô nhiễm không khí hiện diện cả trong nhà lẫn bên ngoài và là nguyên nhân dẫn đến cái chết sớm của hàng triệu người. WHO ước tính, hằng năm, tiếp xúc với không khí ô nhiễm ngoài trời là nguyên nhân khiến hơn 4,2 triệu người chết, cùng với khoảng 3,8 triệu ca tử vong khác có liên quan đến khói trong gia đình do bếp và nhiên liệu bẩn tạo ra. Dựa trên thống kê của WHO về dữ liệu ô nhiễm không khí từ 117 quốc gia, hầu hết mọi người dân trên thế giới đều đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng của bệnh tim, đột quỵ, viêm phổi, các bệnh về hô hấp hay ung thư.

Được công bố nhân Ngày Sức khỏe thế giới (7/4), với chủ đề “Hành tinh của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”, bản báo cáo cập nhật về cơ sở dữ liệu chất lượng không khí của WHO năm 2022 lần đầu giới thiệu chỉ số đo nồng độ ni-tơ đi-ô-xít (NO2) trung bình hằng năm-một chất gây ô nhiễm đô thị phổ biến. Báo cáo cũng bao gồm các chỉ số đo vật chất dạng hạt (bụi mịn) có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn 10 μm (PM10) hoặc 2,5 μm (PM2.5). Cả hai nhóm chất gây ô nhiễm này đều bắt nguồn chủ yếu từ các hoạt động của con người liên quan đến quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (than, xăng, dầu…).

Các thống kê từ WHO cho thấy sự gia tăng ô nhiễm cao gấp gần sáu lần so với khi cơ sở dữ liệu này được đưa ra vào năm 2011. Cùng với đó, các bằng chứng về những thiệt hại mà ô nhiễm không khí gây ra đối với cơ thể con người đang ngày một rõ rệt và chỉ ra tác hại sức khỏe đáng lo ngại kể cả với ô nhiễm ở mức độ thấp. Bụi mịn, đặc biệt là PM2.5, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu, tác động nguy hiểm đến tim mạch, mạch máu não (gây đột quỵ) và hệ hô hấp.

Số lượng các hạt siêu nhỏ trong không khí đo được tại các nước châu Phi và khu vực phía tây Thái Bình Dương cao gấp gần tám lần ngưỡng tiêu chuẩn an toàn của WHO, trong khi chỉ số này ghi nhận mức thấp nhất tại châu Âu. Theo dữ liệu WHO thu thập được tại 117 quốc gia, chưa đầy 1% số các thành phố ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đạt mức an toàn về chất lượng không khí theo khuyến nghị y tế. Ngoài các loại bụi mịn, lượng khí NO2 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cũng cao hơn gấp 1,5 lần so với mức ở những nước có thu nhập cao.

Trong thập niên vừa qua, WHO cũng đã ghi nhận những nỗ lực đáng kể để cải thiện chất lượng không khí ở khắp mọi nơi. Bằng chứng cho điều này là hơn 6.000 thành phố ở 117 quốc gia đang thực hiện giám sát chất lượng không khí, so với 1.100 thành phố ở 91 quốc gia cách đây 10 năm. Báo cáo của WHO khuyến nghị năm giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, gồm: Thông qua hoặc sửa đổi và thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia theo hướng dẫn chất lượng không khí mới nhất từ WHO; giám sát chất lượng không khí và xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí; hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch trong gia đình để nấu nướng, sưởi ấm và chiếu sáng; xây dựng hệ thống giao thông công cộng an toàn và giá phải chăng; và thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải phương tiện nghiêm ngặt hơn.

Ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng và vô hình” và có mặt ở khắp mọi nơi. Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh, vấn đề cấp bách hiện nay là cần giải quyết những thách thức kép đối với sức khỏe nhân loại do ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu gây ra.

Nguồn: Báo Nhân Dân