Phát triển du lịch đường sắt ‘vừa túi tiền’, kết hợp giảm ô nhiễm (Thứ sáu, 10/03/2023 14:29 GMT+7)

Cơ quan đường sắt Liên minh châu Âu mới đây đề xuất, thúc đẩy du lịch tàu hỏa vừa túi tiền’, kết hợp giảm ô nhiễm môi trường.


Xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc kết nối các thành phố lớn của châu Âu sẽ là giải pháp hiệu quả trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm nỗi ám ảnh đối với ô tô, cải thiện tính bền vững trong việc sử dụng năng lượng, bên cạnh đó thúc đẩy du lịch phát triển.

Đây là kết quả nghiên cứu do Cơ quan đường sắt Liên minh châu Âu (EU-RAIL) thực hiện, khi đánh giá tiềm năng thị trường, tác động của việc đầu tư vào tàu cao tốc đối với lợi ích kinh tế xã hội và môi trường trong vòng 30 năm tới.

Cơ quan đường sắt Liên minh châu Âu
đề xuất thúc đẩy mạnh du lịch bằng tàu hỏa - Ảnh PA

Liên minh đang kêu gọi các quốc gia thành viên thông qua bản kế hoạch khổng lồ trị giá 600 tỷ USD để xây dựng một mạng lưới toàn diện, tăng gấp 3 lần so với mạng lưới đường sắt cao tốc hiện có. Kế hoạch kỳ vọng có thể tạo ra lợi ích ròng tích cực cho xã hội lên đến 820 tỷ USD vào năm 2070.

Báo cáo nêu rõ, ưu điểm hàng đầu của tàu cao tốc là lượng khí thải carbon thấp nhờ sử dụng năng lượng hiệu quả. Những chuyến tàu phát thải ít hơn nhiều so với hàng không hoặc vận tải khách bằng đường bộ.

Ông Carlo Borghini, Giám đốc điều hành EU-RAIL nhận định, EU cam kết không phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050, do đó dự án phát triển đường sắt là phù hợp với chiến lược dài hạn của khu vực: “Trong khi các phương thức vận tải khác sẽ phải mất khoảng hai thập kỷ tới để khử lượng khí thải carbon thì đường sắt đang tiếp tục xây dựng và thúc đẩy sự phát triển phù hợp với tương lai của châu Âu”.

Báo cáo nghiên cứu từ Cơ quan đường sắt Liên minh châu Âu chỉ ra, các mạng lưới đường sắt khi hoàn thiện có tiềm năng kích thích phát triển kinh tế khu vực bằng cách kết nối người dân và doanh nghiệp, thông qua giải pháp thay thế nhanh chóng, cạnh tranh hơn so với hàng không hay ô tô chở khách.

Đầu tư mạnh vào mạng lưới đường sắt cao tốc còn thúc đẩy người dân đi du lịch nhiều hơn, từ đó giúp mở rộng quy mô, lưu lượng các chuyến tàu, tạo lợi ích kinh tế và môi trường cho các ngành liên quan khác.

Ông Nick Brooks, Tổng thư ký ALLRAIL (Liên minh các công ty đường sắt độc lập mới nổi tại châu Âu) bày tỏ, hy vọng thời gian tới, mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ dần thay thế ô tô cá nhân, trở thành sản phẩm dành cho đại chúng. Những chuyến tàu sẽ hấp dẫn hơn với tất cả mọi người ‘từ bình dân tới các du khách giàu có’ và trở thành xương sống trong hệ thống giao thông phục vụ ‘du lịch tận nơi’ trên khắp châu Âu.

“Thật thú vị khi thấy dịch vụ đường sắt cao tốc đang được định hướng thương mại như thế nào, chúng làm cho các chuyến tàu đường dài trở nên hấp dẫn và thu hút hành khách khỏi các phương thức vận tải kém bền vững hơn, cụ thể là hàng không và ô tô”.

Theo Euronews, lượng khí thải từ các chuyến tàu đường dài thấp hơn 20 lần so với các chuyến bay thương mại, do đó, lợi ích về môi trường khi đi lại bằng đường sắt là rất lớn. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang, du lịch bằng đường sắt cũng đang thu hút sự chú của người dân châu Âu và trở thành một trong những xu hướng đi lại hàng đầu của năm 2023.

Báo cáo nghiên cứu từ Cơ quan đường sắt Liên minh châu Âu chỉ ra,
các mạng lưới đường sắt khi hoàn thiện có tiềm năng kích thích phát triển kinh tế
khu vực bằng cách kết nối người dân và doanh nghiệp - Ảnh globalrailwayreview

Nghiên cứu cho thấy, tình trạng hoãn hủy chuyến cùng giá vé máy bay tăng cao do giá nhiên liệu biến động khiến nhiều người cảm thấy việc di chuyển bằng tàu hỏa xuyên quốc gia trở nên thuận tiện và dễ tiếp cận hơn.

Ông Alberto Mazzola, Giám đốc điều hành Liên hiệp các công ty cơ sở hạ tầng và đường sắt châu Âu nhận định: “Châu Âu cần một quy hoạch tổng thể về đường sắt cao tốc để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra và hướng tới một hệ thống giao thông bền vững. Việc tạo ra mạng lưới đường sắt tốc độ cao có thể giảm thời gian đi lại bằng tàu hỏa giữa các thủ đô và thành phố lớn của EU xuống từ 4-6 tiếng. Theo tôi, một hệ thống đường sắt tiện nghi và giá cả phải chăng chắc chắn sẽ trở thành phương thức vận tải ưa thích. Tuy nhiên, đầu tư vào đường sắt đòi hỏi cam kết lâu dài và đủ kinh phí”.

Dù nhiều tiềm năng phát triển, nhưng các chuyên gia đường sắt châu Âu cũng nhận thấy thực trạng, là hiện các tuyến đường sắt cao tốc chỉ phân bố rải rác ở Tây Âu và phần lớn không tồn tại ở trung tâm Đông Âu hay các quốc gia thành viên EU mới gia nhập.

Tỷ trọng tương đối giữa người và hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt so với các phương thức vận tải khác thường chỉ ở mức khoảng 8% đối với hành khách, 16% đối với hàng hóa và tình trạng này hầu như không thay đổi kể từ năm 2006.

Theo ông Nick Brooks, Tổng thư ký ALLRAIL, điều này đòi hỏi cần mở rộng và nâng cấp mạng lưới đường sắt hiện tại. Các chuyến tàu cao tốc phải có công suất lớn, 1.000 chỗ ngồi mỗi tàu, khởi hành thường xuyên và giá vé hấp dẫn hơn.

Nguồn: VOV Giao thông